“Ðến ngày mùa,
hãy nhặt cỏ lùng trước đã,
bó thành
bó mà đốt đi,
còn lúa,
thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
(Mt 13, 30)
Suy niệm:
Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?
Cỏ lùng trong ruộng khiến các đầy tớ ngỡ ngàng.
Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt.
Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông.
cỏ lùng lại xuất đầu lộ diện.
Bởi đâu mà có cỏ lùng, có người xấu?
lại bất ngờ có dấu hiệu của sự vẩn đục?
Có tác động xấu xa nào của Thần Dữ đẩy đưa?
Có sự ưng thuận chiều theo nào của con người?
Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?
Chúa có muốn chúng tôi tiêu diệt mọi kẻ xấu không?
Ngài có muốn chúng tôi xây dựng một Giáo Hội toàn bích,
một xã hội chỉ gồm toàn những người tốt không?
Lắm khi chúng ta nóng nảy như Gioan và Giacôbê,
đòi đốt cả làng người Samari, vì họ không tiếp Chúa.
Ðừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, lại làm hư rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Như thế Thiên Chúa để cho cỏ mọc chung với lúa.
Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn.
Ngài nhẫn nại với tội nhân, với cỏ lùng.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được.
Nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt.
Chính vì thế Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi.
Chờ đợi vì tin vào sự hoán cải của con người.
Chờ đợi vì tôn trọng tự do lựa chọn của họ.
Chờ đợi vì nuôi một niềm hy vọng lớn lao.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở nơi sự chờ đợi.
Ngài còn chờ đợi cho đến ngày tận thế.
Trong thế giới và Giáo Hội không có hai hạng người:
hạng cỏ lùng và hạng lúa tốt.
Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở nơi tim mỗi người.
Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt,
giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan.
Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi,
tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi.
Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần,
để rồi mọi sự trong tôi thành lúa tốt.
Kitô hữu không dung túng sự dữ,
họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương.
Nhưng họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân.
Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù,
vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu,
tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã bị sự dữ nuốt chửng
nhưng cuối cùng là Ðấng toàn thắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét