Bài thuyết trình dịp Hội Ngộ Linh Mục Giáo tỉnh Hà Nội tại Gp. Bùi Chu
"Tất cả các Kitô hữu đều là thành phần Dân Chúa, được kết hợp trong một Giao ước mới và được ký kết bằng chính máu của Đức Kitô."
ĐC.Paul Nguyễn Thái Hợp
Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi ý thức rất rõ rệt căn
tính Dân Thiên Chúa và tư cách làm con Thiên Chúa của tất cả những người đã
chịu phép rửa. Với tư cách là thành phần của Dân Thiên Chúa, họ cảm nhận sâu
sắc sự bình đẳng nền tảng giữa các Kitô hữu và sự hiệp thông trong Giáo Hội.
Vào thời đó chưa có sự phân biệt và chia cách giữa giáo sĩ với giáo dân như hôm
nay. Theo dòng thời gian, Giáo Hội phát triển trong bối cảnh văn hóa, xã hội và
chính trị của đế quốc Roma, do đó cơ chế xã hội phân cấp và đẳng cấp được du
nhập vào lòng Giáo Hội. Mô hình “Giáo Hội
kim tự tháp” và “Giáo Hội – xã hội
hoàn hảo” dần dần chiếm ưu thế trong cơ cấu tổ chức của Giáo Hội. Đặc biệt,
trong nhiệt tâm chống lại Phong trào Cải cách và sự can thiệp quá đáng của Nhà
nước vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội, một số nhà thần học và luật gia Công
giáo thường trình bày Giáo Hội như một “Xã
hội hoàn hảo”, nghĩa là một tổ chức xã hội đúng nghĩa, một chủ thể quyền
bính, một pháp nhân, có đầy đủ quyền
tự quyết và tự trị như bất cứ vương quốc hay xã hội dân sự nào khác.
Nhiều nhà giáo luật, thần học và hộ giáo đề cao yếu tố
pháp lý trên yếu tố bí tích, nhấn mạnh đến cơ chế hữu hình hơn là chiều kích
huyền nhiệm của Giáo hội. Có những người không ngần ngại quả quyết rằng Đức
Kitô đã lập Giáo Hội như một xã hội phẩm trật, hoàn thiện và quân chủ. Bản văn
dưới đây của Công đồng Vatican I là một dẫn chứng điển hình: “Giáo hội của Đức
Kitô không phải là một xã hội gồm các phần tử bình đẳng, làm như thể là tất cả
các tín hữu đều có những quyền như nhau; trái lại, đó là một xã hội bất bình
đẳng, và điều đó không chỉ có nghĩa là trong số các tín hữu có những người là
giáo sĩ, có những người là giáo dân, mà nhất là vì trong Giáo hội, Chúa đã
thiết lập một quyền bính mà một số người đã nhận được để thánh hóa, dạy dỗ và
cai quản, trong khi những người khác không có quyền ấy”[1].
Hồng y Pie, báo cáo viên thời danh của lược đồ về quyền
vô ngộ của Đức Giáo chủ trong Công đồng Vatican I, rõ rệt chủ trương rằng đức
Giáo hoàng là hiện thân đích thực của Đức Kitô. Hồng y xác quyết vào năm 1862:
« Ngoài sự hiện diện đích thực của Đức Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể,
chẳng có chi giúp chúng ta cảm nghiệm và đụng chạm đến bản thân Đấng Cứu Thế hơn
là nhìn Vị Đại diện của Ngài ở trần gian ».
Lá thư của Đức Leô XIII gởi Tổng Giám mục Giáo phận
Tours, vào năm 1888, một lần nữa lặp lại chiều hướng thần học này: “Trên thực
tế, ta nhận thấy rõ ràng và thường xuyên rằng trong Giáo Hội đương nhiên có hai
giai cấp: chủ chăn và con chiên, nghĩa là những người lãnh đạo và những người
thường dân. Giai cấp thứ nhất có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản và hướng dẫn cách
sống cho mọi người, và đặt ra lề luật. Giai cấp thứ hai phải phục tùng giai cấp
thứ nhất: vâng lời họ, thi hành lệnh và tôn vinh họ”.
Vào giữa thế kỷ XX, Đức Piô XII vẫn trình bày mối tương
quan giữa giáo sỹ với giáo dân trong lòng Giáo Hội theo chiều hướng này. Ngài
khẳng định: “Theo ý muốn của Thiên Chúa, các Kitô hữu được chia làm hai bậc:
giáo sĩ và giáo dân. Cũng do ý muốn của Ngài, trong Giáo Hội có hai loại quyền
bính: quyền thánh chức và quyền tài phán. Hơn nữa, do kế hoạch của Thiên Chúa,
con người tiến tới thánh chức – nghĩa là được gia nhập vào phẩm trật giám mục,
linh mục và thừa tác viên – do việc chịu chức thánh. Riêng quyền tài phán,
chiếu theo luật Chúa, được trực tiếp trao phó cho Đức Giáo hoàng và, cũng chiếu
theo luật đó, cho cả các giám mục nữa, nhưng phải qua trung gian của vị kế
nhiệm thánh Phêrô”.
Trong mô hình Giáo Hội đó, dĩ nhiên vai trò và sứ vụ của
giáo dân hoàn toàn bị quên lãng, không hề được nhắc đến. Trên thực tế, người
giáo dân bình thường chẳng hề có một vai trò và vị thế nào trong Giáo Hội. Hồng
y Gasquet kể một giai thọai dí dỏm: Ngày kia, vào giai đoạn tiền Công đồng
Vatican II, một người dự tòng hỏi một linh mục Công giáo về vai trò của giáo
dân trong Giáo Hội. Vị linh mục điềm nhiên trả lời: Giáo dân có ba vị thế trong
Giáo Hội: thứ nhất, quỳ gối trước bàn thờ; thứ hai, ngồi trên ghế; thứ 3, thưa
amen sau các lời nguyện. Và Hồng y hóm hỉnh nói thêm: người ta đã quên một vai
trò quan trọng khác: móc ví lấy tiền... để công đức cho nhà thờ.
1- Những bước đầu khai phá
Vào cuối thập niên 30 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện
quan niệm mới về Giáo hội học. Trong một cuốn sách nhỏ xuất bản vào năm 1940,
linh mục M. D. Koster O.P. đề nghị sử dụng quan niệm « Dân Thiên Chúa » để thay thế cho
quan niệm « Thân thể của Đức Kitô »
và « Giáo hội – Xã hội hoàn hảo ».
Theo tác giả, quan niệm « Dân Thiên Chúa » không những có căn bản
vững chắc về Thánh kinh và giáo phụ, mà còn đặt Giáo hội vào khung cảnh rộng
lớn của lịch sử cứu độ. Cuốn sách của Koster gây nên nhiều phản ứng, vì tác giả
xác quyết quan niệm « Dân Thiên Chúa » như « ý niệm duy nhất
hoàn toàn rõ ràng và không ẩn dụ » về Giáo hội[2]. Thêm vào đó, tác giả sử dụng
một số dẫn chứng khá hàm hồ và thiếu tính thuyết phục.
Bất chấp những dò dẫm và khiếm khuyết trong cách trình
bày của Koster, quan niệm « Dân Thiên Chúa » ngày càng được các tác
giả khai triển và kiện toàn. Với những chứng cứ rõ rệt hơn về Thánh kinh và
giáo phụ, các tác phẩm xuất bản kế tiếp đã chứng minh « Dân Thiên
Chúa » là một quan niệm thích hợp nhất để diễn tả mầu nhiệm Giáo hội, vừa
tiếp nối sứ mệnh của dân tộc Israel, vừa nằm trong viễn tượng phổ quát của lịch
sử cứu độ[3].
Yves Congar đã đóng góp cho công cuộc canh tân Giáo hội
học qua nhiều nghiên cứu và đặc biệt với tác phẩm « Esquisses du Mystère
de l’Eglise » (Phác thảo về Mầu nhiệm Giáo hội) (1941). Sau này, với tư
cách là chuyên viên thần học của Công đồng, cha cộng tác đắc lực để quan niệm
« Dân Thiên Chúa » trở thành một trong những định nghĩa cơ bản về
Giáo hội. Vai trò của Đức Kitô và của Thánh linh được đặt nổi trong sự hình thành
và vận hành của Giáo hội :
« Dưới thời Cựu ước, Dân Thiên Chúa đã hiện diện trong
một dân tộc đặc thù, theo nghĩa nhân văn, xã hội và nhân chủng của danh từ.
Sang giai đoạn mới, Dân Thiên Chúa được thành lập do niềm tin vào lời rao giảng
của các Tông đồ, vào kế hoạch thiêng liêng cho phép thu nhận tất cả các dân tộc
theo nghĩa nhân văn của danh từ, trong khi vẫn hoàn toàn duy trì sự hiện hữu và
tính chất riêng. Chính vì thế mà Dân Thiên Chúa, trong giai đoạn mới, mang tính
tinh thần và có cơ cấu xã hội cũng như tính khả thị riêng, độc lập với tất cả
xã hội thuần tuý trần thế, với tất cả thực tại nhân loại về chủng tộc, văn hoá
hay quyền bính ».
Tuy nhiên, theo Yves Congar, bất chấp sự phong phú và
tính độc đáo của quan niệm « Dân Thiên Chúa » trong việc trình bày
Giáo hội, quan niệm này cần được bổ túc bằng các quan niệm Thánh kinh khác như
chuồng chiên, cánh đồng Thiên Chúa, thành Giêrusalem trên trời và đặc biệt thân
thể Đức Kitô. Tác giả cho rằng « một mình ý tưởng Dân Thiên Chúa, cho dù
rất phong phú về phương diện thần học cũng như mục vụ, vẫn không đủ để diễn tả
thực tại Giáo hội. Trong giai đoạn mới, giai đoạn của các lời hứa được thực
hiện do việc Nhập thể của Con Thiên Chúa và ân huệ của Thánh Thần, Dân Thiên
Chúa nhận lãnh một quy chế mà ta chỉ có thể diễn tả trong phạm trù thần học về
Nhiệm thể Đức Kitô »[4]. Nói rõ hơn, « Giáo
hội là Dân Thiên Chúa với tư cách là Thân thể Đức Kitô và là Thân thể Đức Kitô
trong ý nghĩa được xác định bởi quan niệm về Dân Thiên Chúa hay đúng hơn xây
dựng trên nền tảng của quan niệm này »[5].
Nhiều tư tưởng gia và thần học gia đã tích cực góp phần
đổi mới quan niệm và mô hình về Giáo hội. Có thể nói đường hướng đổi mới cũng
như nội dung của các văn kiện lớn của công đồng Vatican II sở dĩ hình thành là
nhờ những tìm kiếm và suy tư khắc khoải của những người như Mercier, J.
Lagrange, Teilhard de Chardin, J. Maritain, E. Gilson, D. Chenu, Karl Rahner,
H. de Lubac, Y. Congar…
2- Quan niệm Giáo hội theo Vatican
II
Khi triệu tập Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII muốn
làm một cuộc canh tân đích thực để Giáo hội có khả năng loan báo “Nước Trời
đang tới” một cách hữu hiệu cho con người và thời đại hôm nay[6]. Ngài cảm nhận một cách sâu xa
nhu cầu khẩn thiết phải quét sạch những lớp bụi thời gian và trần gian đã bám
trên ngai toà thánh Phêrô, ngõ hầu làm rõ hơn khuôn mặt rạng ngời của Giáo hội
Đức Kitô. Ngài mời gọi các Kitô hữu can đảm và sáng suốt nhận diện “những dấu
chỉ thời đại”. Ngài ước mong Công đồng sẽ khai mở một mùa xuân và “sẽ đích thực
là lễ Hiện Xuống mới, làm cho Giáo
hội được triển nở trong nguồn năng lực nội tại và mở rộng ra tất cả mọi lãnh
vực của hoạt động nhân loại”[7].
Nhưng lược đồ đầu tiên của Hiến chế tín lý về Giáo hội,
do tiểu ban chuẩn bị Công đồng soạn thảo, hoàn toàn không phản ảnh thao thức,
ước vọng và hướng đi mà Đức Gioan XXIII đã vạch ra. Lược đồ này gồm 11 chương
và một phụ trương. Nền tảng Giáo hội học của nó vẫn là quan điểm Giáo hội như
một xã hội hoàn hảo, với cấu trúc của mô hình Giáo hội kim tự tháp. Về nội
dung, lược đồ xây dựng trên quan điểm thần học cũ, quá nặng về hộ giáo, nhấn
mạnh quá đáng đến yếu tố pháp lý và đầy giáo sĩ tính. Tiêu chuẩn Thánh kinh và
chiều kích huyền nhiệm rất mờ nhạt. Do đó, hầu như chẳng đề cập đến vai trò của
người giáo dân.
Tại phiên họp khoáng đại đầu tiên, lược đồ này bị phê
bình gắt gao và bị trả về cho Ủy ban soạn thảo mới. Lược đồ thứ hai ra đời và
đệ trình các nghị phụ vào mùa hè năm 1963. Lược đồ mới này rút gọn vào bốn
chương: (I) Mầu nhiệm Giáo hội; (II) Cơ cấu phẩm trật Giáo hội, đặc biệt chức
Giám mục; (III) Dân Thiên Chúa, đặc biệt về giáo dân; (IV) Lời mời gọi nên
thánh trong Giáo hội.
Trong kỳ họp lần thứ 2, lược đồ thứ hai này được thảo
luận sôi nổi. Hồng y L. Suenens, với tư cách là thành viên của Uỷ ban điều
hành, đề nghị chia chương III thành hai phần: một phần mang tựa đề “Dân Thiên
Chúa” đề cập đến căn tính chung của tất cả các thành viên của Giáo hội sẽ là
chương II; còn chương III đề cập đến cơ cấu phẩm trật; chương IV mang tựa đề
“Người Giáo dân”; chương V: Lời kêu gọi nên thánh; chương VI: tu sĩ; chương
VII: đặc tính cách chung; chương VIII: Đức Maria[8].
Thế là đề tài “Dân Thiên Chúa” được sát nhập vào Hiến chế
tín lý về Giáo hội như một chương trung tâm, nằm giữa chương I nói về Mầu nhiệm
Giáo hội và các chương kế tiếp đề cập đến các chức vụ và sứ vụ khác nhau của
các thành phần Dân Chúa. Đức Hồng y Suenens gọi thay đổi là một “thay đổi Copernic” về Giáo hội học: cho
đến lúc đó tất cả Giáo hội xoay quanh hàng giáo phẩm, kể từ đây trọng tâm của
Giáo hội lại là Dân Thiên Chúa.
Tiếp thu một cách sang tạo khuynh hướng thần học cởi mở
tiền Công đồng, hiến chế “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium) đã dành trọn
chương I để diễn tả căn tính của Giáo hội: “Mầu nhiệm Giáo hội được biểu lộ
trong chính cách thức Giáo hội được thành lập. Thật thế, Đức Giêsu đã khai sáng
Giáo hội bằng việc rao giảng Tin Mừng về sự xuất hiện của triều đại Thiên Chúa
đã được hứa trong Kinh Thánh từ muôn thuở (…). Triều đại này tỏa sáng trước mặt
mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô”[9].
Theo Công đồng, Giáo hội được kết thành bởi các yếu tố
khác biệt nhau, nhưng luôn bổ sung cho nhau và bất khả phân ly. Đây là một
“Giáo hội thánh thiện của Đức Kitô nơi trần gian, một cộng đoàn đầy tin, cậy,
mến như một cơ cấu hữu hình, nhờ đó Người thông truyền chân lý và ân sủng cho
mọi người”. Nói cách khác, “Giáo hội vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế
phẩm trật, vừa là Nhiệm thể Đức Kitô, vừa là đoàn thể hữu hình, vừa là cộng
đoàn thiêng liêng, vừa là Giáo hội tại thế, vừa là Giáo hội tràn đầy ân sủng
trên trời”. Một cách biểu tượng và theo hình thức loại suy, Công đồng đã muợn “mầu nhiệm Nhập thể” để diễn tả “mầu nhiệm Giáo hội”[10].
Chương II của Hiến chế đào sâu quan niệm “Giáo hội – Dân Thiên Chúa”. Khi thiết
lập giao ước mới trong máu của Người, Đức Kitô đã thiết lập Giáo hội. Thành
viên của Giáo hội này không phải là “dân Israel theo huyết nhục”, mà là “dân Israel mới”, qui tụ tất cả những ai, với
trọn niềm tin kính, tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu độ và nguồn mạch
hiệp nhất. “Thật vậy, những ai tin kính Đức Kitô, những người được tái sinh
không phải bởi mầm mống hư nát, nhưng bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống
(xc. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh thần (xc. Ga
3,5-6), nay được thiết lập nên “giống nòi
được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải
là một dân, nay là Dân Thiên Chúa” (1 Pr 2,9-10)[11].
Dân tộc thiên sai này “tuy chưa thực sự bao gồm toàn thể
nhân loại và thậm chí chỉ là một đoàn chiên nhỏ, nhưng lại chính là hạt mầm đầy
năng lực của sự hiệp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân
loại”[12]. Công đồng diễn tả nét độc đáo
của dân thiên sai đặc biệt này như một
dân tộc “có Đức Kitô là Thủ lãnh (...), có phẩm giá và tự do đặc thù của con
cái Chúa, mà nơi tâm hồn họ Chúa Thánh Thần ngự như trong đền thờ. Luật của họ
là giới răn mới: yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta (xc Ga
13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ chính là Nước Thiên Chúa đã được chính Thiên
Chúa khởi sự ở trần thế, và phải được trải rộng qua các thời đại cho đến khi
hoàn tất vào tận cùng thời gian, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta, tái xuất
hiện”[13].
Viễn tượng thần học này tái khẳng định ý nghĩa và giá trị
hiệp thông trong niềm tin: tất cả các
Kitô hữu đều là thành phần Dân Chúa, được kết hợp trong một Giao ước mới và
được ký kết bằng chính máu của Đức Kitô. Điều độc đáo hơn nữa, các thành viên
của Dân Thiên Chúa đã được thiết lập nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức
Kitô, đều được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ngài[14]. Do đó, “như tất cả các chi
thể của thân thể, tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể, thì các tín hữu
trong Đức Kitô cũng vậy. Trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô, rất cần sự đa
dạng của các chi thể và phận vụ. Chỉ có một thần khí duy nhất là Đấng ban những
ân huệ khác nhau theo sự sung mãn của Người và tùy theo nhu cầu của các tác vụ
vì lợi ích của Giáo hội”[15].
Hệ luận tất nhiên là công nhận sự bình đẳng nền tảng giữa
các thành phần của Dân Thiên Chúa. Trong Đức Kitô và trong Giáo hội, không thể
có sự bất bình đẳng hay phân biệt nào do chủng tộc hay quốc gia, do địa vị xã
hội hay phái tính, bởi vì “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa; cùng
chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung
một ân sủng là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn
thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia”[16].
3- Tư tế cộng đồng và tư tế thừa
tác
Không bao giờ có thể chỉ nhìn Giáo Hôi bằng lăng kính
thuần túy xã hội hay chính trị, bởi vì Giáo Hội là Dân Thiên Chúa. Cũng chẳng
ai có thể giải thích Giáo hội theo phạm trù quân chủ, độc tài hay dân chủ. Tự
bản chất, “Giáo Hội vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là
Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là
Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời”[17]. Trong Chúa Kitô và trong Giáo
Hội, tất cả các thành viên đều bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi. “Thật vậy, nhờ
sự tái sinh và việc xức dầu Thánh Thần, những người đã nhận ơn Thánh Tẩy được
thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh, để qua mọi hoạt
động của đời Kitô hữu, họ dâng những hy tế thiêng liêng và loan báo quyền năng
của Đấng đã kêu gọi họ ra khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Người. Vì thế,
tất cả những môn đệ Đức Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca
ngợi Thiên Chúa, phải chứng tỏ mình là hy tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng
Thiên Chúa”[18].
Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis Tiếp tục triển khai quan
niệm thần học của Lumen Gentium về chức vụ tư tế cộng đồng khi quả quyết rằng
“trong Đức Kitô, tất cả các tín hữu được đặt vào hàng tư tế thánh thiện và
vương giả, hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng nhờ Đức Kitô (…).
Vì thế, không có chi thể nào không thông phần vào sứ mệnh của toàn thân, trái
lại mỗi chi thể đều phải tôn vinh Chúa Giêsu trong tâm hồn và làm chứng về
Người với tinh thần ngôn sứ”[19].
Sử dụng một cách linh động lối so sánh của Thánh Phaolô
giữa các các bộ phận trong một thân thể với các Kitô hữu trong Giáo Hội sơ
khai, công đồng diễn tả sự hiệp nhất trong đa dạng của Dân Thiên Chúa: “Chỉ có
một Chúa, một đức tin, một phép rửa; cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể
do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ân sủng là con cái Thiên Chúa
và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một
niềm hy vọng và một đức ái không phân chia. Như thế, trong Đức Kitô và trong
Giáo Hội, không có sự bất bình đẳng do chủng tộc hay quốc gia, do địa vị xã hội
hoặc phái tính (…), nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô”[20].
Tuy nhiên, bên cạnh nét tương đồng nền tảng đó, chúng ta
không thể quên sự khác biệt và đa dạng
lạ lùng. Mặc dù tất cả các thành phần Dân Chúa đều bình đẳng về phẩm giá, về ơn
gọi nên thánh và hoạt động chung để xây dựng thân mình Đức Kitô, nhưng “trong
Giáo Hội không phải mọi người đều cùng đi một con đường như nhau”, cũng như
“không phải tất cả các chi thể đều có cùng một chức năng” (Rm 12,4). Bởi vì, “theo ý Đức Kitô, một số người được
cắt cử làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những
người khác”[21]. Thật vậy, với tư cách đại
diện và sứ giả của Đức Kitô, “các giám mục điều khiển Giáo Hội địa phương được
Chúa ủy thác”, trong khi đó “các tín hữu phải lien kết với giám mục như Giáo
Hội gắn bó với Đức Giêsu Kitô, và như Đức Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả luôn đồng tâm trong tình hợp nhất”[22]
Khởi đi từ hai yếu tố dị biệt và tương đồng ở trên, chúng
ta sẽ nhận thức rõ hơn mối tương quan độc đáo giữa “tư tế cộng đồng và tư tế thừa tác”: Một mặt giữa “tư tế cộng đồng
của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật” có sự khác biệt về “yếu
tính” chứ không thuần túy “cấp độ”, nhưng mặt khác, trong thực tế cả hai đều
được thiết định trong mối tương quan bình đẳng. Lý do căn bản là vì, “theo cách
thức riêng của mình, mỗi bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô”[23].
Lumen Gentium lý giải tính cách thánh thiêng và việc thực
thi hai chức vụ tư tế này trong Giáo Hội như sau: “Nhờ quyền năng thánh thiêng
nhận được, linh mục, thừa tác của Đức Kitô, giáo huấn và quản trị cộng đồng tư
tế, thực hiện hy tế Thánh Thể với tư cách đại diện của Đức Kitô và dâng hiến lễ
lên Thiên Chúa nhân danh toàn dân; còn các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả,
tham dự vào hy lễ Thánh thể và thi hành chức tư tế của mình qua việc lãnh nhận
các bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá một đời sống thánh thiện, hy
sinh và bác ái tích cực”. Đặc biệt, “khi tham dự hy tế Thánh Thể, nguồn mạch và
tuột đỉnh của đời sống Kitô hữu, họ dâng lên Thiên Chúa Tế vật thần linh và
hiến dâng chính mình cùng với Tế vật ấy. Chính vì thế, khi dâng lễ cũng như khi
hiệp lễ, tất cả mọi người đều dự phần vào việc cử hành phụng vụ, tuy không cùng
cách thức như nhau”[24].
Giáo huấn trên đây của công đồng được xây dựng trên nền
tảng Thánh Kinh và Truyền thống lâu đời của Giáo Hội. Thật vậy, vào giai đoạn
bình minh của Kitô giáo, các tín hữu đã thực sự sống chức vụ tư tế cộng đồng. Ở
thời kỳ này, phụng vụ là công tác thờ phượng Thiên Chúa của cộng đồng và do
toàn thể cộng đồng tích cực đóng góp. Giữa bàn thờ và dân chúng, cũng như giữa
tín hữu và các tư tế luôn có sự gần gũi rất thân tình.
Viết cho các tín hữu ở Tiểu Á đang bị bách hại và chịu
đau khổ, thánh Phêro quả quyết: “Anh em hãy để Thiên Chúa sử dụng anh em như
những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên
Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng
Người, nhờ Đức Giêsu Kitô (…). Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư
tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ
công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng
diệu huyền”[25].
Khi viết cho các tín hữu đang bắt đầu chịu đau khổ vì đức
tin, tác giả Sách Khải huyền đã khích lệ họ trở nên nhân chứng của Đức Kitô vơi
cùng một tâm tình và luồng tư tưởng như thư của thánh Phêro: “Xin Đức Giêsu
Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi
chết trỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và
bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta,
làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là
Cha của Người”[26]
4- Tương quan giữa linh mục với
giáo dân
Dưới ánh sáng của Tin Mừng, sự khác biệt giữa hàng giáo
sĩ với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa luôn bao hàm chiều kích mục vụ và
lý tưởng phục vụ, bởi vì “các mục tử và các tín hữu được nối kết với nhau nhờ
mối tương quan trách nhiệm chung: các mục tử trong Giáo Hội phải noi gương Chúa
phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu; còn các tín hữu cũng phải sẵn lòng hợp
tác với các mực tử và thầy dạy của mình. Như thế, ngay trong sự đa dạng, tất cả
đều làm chứng cho tính duy nhất kỳ diệu trong Thân thể Đức Kitô, bởi vì, chính
những ân sủng, tác vụ và hoạt động khác nhau ấy lại góp phần liên kết con cái
Thiên Chúa nên một”[27].
Kết cục, nẩy sinh tình
huynh đệ sâu xa giữa giáo dân và giáo sĩ: bởi vì khi các giáo sĩ “được
Thiên Chúa ưu ái trao ban Đức Kitô như một người Anh Cả”, thì đương nhiên “giáo
dân cũng trở thánh anh chị em của những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh,
những kẻ nhận quyền từ Đức Kitô để chăm sóc gia đình Thiên Chúa qua việc giảng
dạy, thánh hóa, quản trị, giúp mọi người chu toàn giới luật mới của đức ái”[28].
Sắc lệnh về “Tác vụ và đời sống Linh mục” tiếp tục đào
sâu vai trò của linh mục trong sứ mệnh của Giáo hội và trong tương quan với
cộng đồng Dân Chúa. Theo sắc lệnh, để phục vụ cộng đồng Dân Chúa, “linh mục,
được tuyển chọn giữa loài người và được đặt làm đại diện cho con người trong
những việc liên quan đến Thiên Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy tế đền tội”.
Chính vì vậy, “linh mục phải sống với người khác như với những người anh em”[29].
Theo gương Đức Giêsu Kitô và trung thành với sứ điệp của
Người, linh mục không thể không tiếp tục
sống giữa trần gian, nhưng đồng thời lại không thể trọn vẹn thuộc về thế gian:
“Giữa lòng Dân Chúa, các tư tế của Giao Ước Mới, do ơn gọi và chức thánh, một
cách nào đó cũng phải được dành riêng, không phải để tách biệt khỏi đoàn dân
hoặc khỏi bất cứ một ai, nhưng để được thánh hiến hoàn toàn cho công việc Chúa
trao phó”[30]
Nói cách khác, “do thừa tác vụ đặc biệt của các ngài đòi
buộc các linh mục không được sống rập theo đời này; nhưng đồng thời lại đòi hỏi
các ngài phải sống giữa mọi người trong thế gian này”. Để thực hiện sứ vụ này,
cùng với các nhân đức đối thần, các mục tử cần phải có các đức tính nhân bản vẫn
được xã hội loài người quý trọng. Sắc lệnh đặc biệt nhắc đến các đức tính sau:
“Từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã và những
đức tính khác, như thánh Phaolô Tông đồ đã khuyên nhủ: “Anh em hãy tưởng nghĩ
đến tất cả những gì là chân thật, tinh tuyền, công chính, thánh thiện, khả ái,
những gì là danh thơm tiếng tốt, là đức hạnh, là đáng khen” (Pl 4,8)[31].
Theo hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, “nhờ bí tích Truyền chức Thánh, linh mục được thánh
hiến theo hình ảnh Đức Kitô, Linh mục tối cao và đời đời, để rao giảng Tin
Mừng, chăn dắt các tín hữu và cử hành phụng tự linh thánh như những tư tế đích
thực của Tân Ước. Được tham dự theo cấp bậc thừa tác vụ của mình vào các chức
năng của Đức Kitô, các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người (…). Dưới
quyền giám mục, các linh mục thánh hóa và coi sóc một phần đoàn chiên Chúa đã
trao phó cho mình, các ngài làm cho Giáo Hội phổ quát nên hữu hình ngay tại địa
phương mình, và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân mình Đức Kitô.
Luôn lưu tâm đến lợi ích của con cái Thiên Chúa, các ngài phải nhiệt thành tham
gia vào mục vụ của cả giáo phận, và hơn nữa, của toàn thể Giáo hội” [32].
Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đặc biệt lưu ý là trong
bối cảnh thế giới ngày nay, “lời rao giảng không chỉ trình bày Lời Chúa cách
tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Tin Mừng vào
các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Vì vậy, thừa tác vụ Lời Chúa được thực thi
theo nhiều cách thức khác nhau, dựa theo nhu cầu của thính giả và tùy vào đặc
sủng của người giảng thuyết. Ở những miền hay những cộng đồng ngoài Kitô giáo,
chính việc loan báo Tin Mừng đưa con người đến với đức tin và lãnh nhận các bí tích
ban ơn cứu rỗi, trong khi đó tại các cộng đồng Kitô hữu, đặc biệt đối với những
người còn kém lòng tin hay thiếu hiểu biết về những điều họ quen thực hành, thì
việc loan báo Lời lại không thể thiếu trong tác vụ trao ban bí tích, vì đây là
những bí tích đức tin và đức tin cần được cần được sinh ra cũng như nuôi dưỡng
bằng Lời Chúa”. Do bí tích Thánh tẩy, linh mục có chung ơn gọi Kitô hữu với anh
chị em tín hữu khác, nhưng được mời gọi giữa lòng cộng đồng Dân Chúa để phục vụ
chính cộng đồng Dân Chúa. Vì vậy, sắc
lệnh quả quyết: “Các linh mục mắc nợ mọi người về phận vụ phải thông truyền cho
họ chân lý Tin Mừng mà các ngài đã nhận lãnh nơi Chúa”[33].
Phản ảnh một cách trung thành đường hướng của công đồng
Vatican II nói riêng và giáo huấn của Giáo Hội nói chung, Bộ Giáo luật 1983 qui
định: “Cha sở phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách trọn vẹn cho những
người đang sinh sống trong giáo xứ, vì thế ngài phải lo giảng dạy giáo dân về
các chân lý đức tin, nhất là qua các bài giảng trong các ngày Chúa Nhật và các
ngày lễ buộc, cũng như qua việc đào tạo giáo lý; ngài phải ủng hộ những công
việc cổ động tinh thần Phúc Âm, cả những việc liên quan đến công bình xã hội;
ngài phải quan tâm cách riêng tới việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên;
ngài phải cố gắng bằng mọi cách, với sự hợp tác của các Kitô hữu, để Tin Mừng
cũng được loan báo cho những người không còn thực hành việc sống đạo nữa hoặc
không tuyên xưng đức tin chân thật” .
Đối với các bí tích, Bộ Giáo luật xác định: “Cha sở phải
liệu sao để Thánh Thể trở thành trung tâm của việc tập họp các tín hữu trong
giáo xứ; ngài phải cố gắng lo cho các Kitô hữu được nuôi dưỡng nhờ việc sốt
sắng cử hành các bí tích, và nhất là thường xuyên đến gần bí tích Thánh Thể và
bí tích xám hối; ngài cũng phải cố gắng hướng dẫn họ biết cầu nguyện…” (Điều
528).
Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nói rõ “các linh mục phải
chân thành nhìn nhận và phát huy phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong
sứ mệnh của Giáo Hội. Phải sẵn sàng lắng nghe, cứu xét các nguyện vọng của giáo
dân trong tinh thần huynh đệ, đồng thời nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng
chuyên môn của họ trong các lãnh vực hoạt động nhân loại tự nhiên, để cùng với
họ nhận ra những dấu chỉ thời đại… Các ngài cũng hãy tin tưởng trao cho giáo
dân các công tác phục vụ Giáo Hội, dành cho họ tự do và quyền hạn để hoạt động,
hơn nữa, hãy tìm cách thích hợp để mời họ tự ý đảm nhận công tác”[34].
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội phân biệt ý thức chính trị,
quan niệm chính trị, đóng góp cho lãnh vực chính trị với hành động trực tiếp tham
gia vào đảng phái chính trị hay nắm giữ các chức vụ chính trị trong cơ quan
công quyền. Giáo luật hiện hành cấm giáo sĩ trực tiếp tham gia “hoạt động chính
trị đảng phái”. Điều 285, khoản 3 viết: “Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ
công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự”. Điều 287,
khoản 2 xác định thêm: “Các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng
phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà
chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội, việc bảo vệ quyến lợi của Giáo hội và
việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy”[35].
Đối với tín hữu giáo dân, sự việc hoàn toàn khác: Hoạt
động kinh tế - xã hội-chính trị lại được coi là lãnh vực đặc thù trong sinh
hoạt trần thế của tín hữu giáo dân. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình
tóm kết quan điểm của Giáo hội như sau: “Đối với tín hữu giáo dân, việc tham
gia vào chính trị là một hành động thích đáng và đòi hỏi nhiều nỗ lực để biểu
lộ hành động dấn thân của Kitô hữu nhằm phục vụ tha nhân”. Để thực hiện sứ vụ
này một cách hiệu quả, Giáo huấn xã hội của Giáo hội đã cống hiến một số tiêu
chuẩn định hướng: “Kiếm tìm công thiện công ích với tinh thần phục vụ, phát
triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến tình trạng nghèo khổ, tôn trọng tính
tự trị của các thực tại trần thế, nguyên tắc hỗ trợ, cổ võ đối thoại và hòa
bình trong viễn cảnh liên đới”[36].
Tùy theo điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị
của mỗi nước, các nguyên tắc trên được vận dụng để chọn lựa và lấy quyết định
về các giải pháp chính trị. Trên thực tế, các giải pháp chính trị này rất đa
dạng, có những lúc còn đối lập và xung khắc nhau. Hiến chế “Hội Thánh trong thế
giới hôm nay” nhắc nhở: “Thông thường, nhãn quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn các
Kitô hữu chọn lựa một giải pháp nhất định nào đó, tùy theo hoàn cảnh. Tuy
nhiên, cũng có những tín hữu khác, với cùng một niềm chân thành, có thể thẩm
định cách khác, như thường xảy ra. Nhiều người thường hay nối kết sứ điệp Tin
Mừng với quan điểm này hay quan điểm nọ, mặc dù nhiều khi ngoài ý muốn của họ.
Cần nhớ rằng trong các trường hợp như thế, không ai được độc quyền lấy thẩm
quyền của Giáo hội để biện minh cho lập trường riêng”[37].
Sinh hoạt trần thế nói chung và hoạt động chính trị -
kinh tế- xã hội nói riêng là lãnh vực đặc thù của giáo dân. Hiến chế Hội Thánh
trong thế giới hôm nay nhắn nhủ: “Với lương tâm đã được đào luyện cách thích
hợp, họ phải đem luật Chúa thấm nhập vào cuộc sống xã hội trần gian. Giáo dân
vẫn mong nhận được ánh sáng và sức mạnh tinh thần từ các linh mục. Tuy nhiên,
họ đừng vì thế mà nghĩ rằng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể
đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho từng vấn đề đang xảy ra, kể cả những vấn
đề quan trọng; cũng đừng lầm tưởng đó là sứ mạng dành cho các chủ chăn, nhưng
tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và với thái độ quan
tâm tôn trọng Huấn quyền của Giáo Hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình”[38]
Đối với
những gì liên quan đến đức tin, phong hóa và đời sống Kitô hữu, “giáo dân nên
mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn là đại diện Đức Kitô đã quyết định
với tư cách là thầy dạy và người lãnh đạo trong Giáo Hội, với tinh thần vâng
phục Kitô hữu, hãy noi gương Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết để khai mở
con đường đầy phúc lành trong tự do của con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi
người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện cầu nguyện phó dâng cho Thiên
Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hân hoan thi hành sứ vụ của mình”[39]
Công
đồng hy vọng rằng Giáo Hội sẽ hưởng nhiều phúc lợi từ mối tương quan mật thiết
giữa linh mục và giáo dân: “thật vậy, khi ý thức trách nhiệm của người giáo dân
được củng cố, thì lòng hăng say của họ được phát huy và những năng lực của họ
được nối kết dễ dàng hơn với công tác của các mục tử. Phần các mục tử, khi được
trợ giúp bằng kinh nghiệm của giáo dân, có thể phân định minh bạch và thích hợp
hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế, nhờ vậy toàn thể Giáo Hội
được vững mạnh nhờ tất cả các chi thể, sẽ chu toàn cách hữu hiệu hơn sứ mệnh
của mình đối với sự sống của trần gian”[40].
5- Giáo dân đang đứng thứ mấy?
Tại
miền Nam Việt Nam ,
vào cuối thập niên 60, nhiều người đã đề cao và thổi phồng vị thế của người
giáo dân trong Giáo hội. Một cuốn sách dịch phát hành vào giai đoạn đó, như đã
vo tròn và gói trọn tất cả vị thế và sứ mệnh lớn lao của người giáo dân ở giai
đoạn hậu Công đồng vào một tựa đề rất ấn tượng: “Giáo dân đứng hàng đầu”.
Một nửa
thế kỷ đã trôi qua, và nhiều người trong số những người đã sống vào thời đó
cũng đã ra đi, chôn vùi theo mình những kỷ niệm về biến cố trọng đại nhất trong
lịch sử Giáo hội Công giáo thế kỷ 20. Đứng trên phương diện thần học, Công đồng
Vatican II đề cao tính liên đới và sứ vụ riêng của mỗi thành phần Dân Chúa :
tất cả các Kitô hữu đều “bình đẳng trong sự công chính của đức Kitô” và đồng
trách nhiệm trước sứ vụ rao giảng Lời Chúa. Nhưng năm mươi năm sau nhìn lại, tự
nhiên cảm thấy buồn nhiều hơn vui khi nghĩ đến vai trò của người giáo dân trong
Giáo hội: bây giờ giáo dân đang đứng vào
hàng thứ bao nhiêu?
Thượng
hội đồng Giám mục thế giới về “ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và
giữa trần thế “(1987) tiếp tục đề cao vai trò của người giáo dân trong Giáo
Hội. Nhưng năm mươi năm sau nhìn lại, nhiều xác quyết về cộng đoàn Dân Chúa, về ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân
... có lẽ vẫn nằm yên trên văn bản. Chức vụ “tư tế chung” của tất cả các tín
hữu, chẳng hạn, có giá trị gì và trong thực tế đã thực hiện như thế nào ở Việt Nam ?
Đâu là tương quan giữa tư tế cộng đoàn với chức vụ tư tế thừa tác của các linh
mục? Sứ vụ “vương giả” cũng như vai trò “chủ động” của giáo dân đã được thể
hiện như thế nào trong đời thường và trong sinh hoạt giáo xứ ?
Phải
thành thật công nhận rằng Công đồng đã đưa ra một đường hướng thần học mới và
muốn vượt qua sự phân biệt giữa giáo sĩ với giáo dân, cũng như sự phân chia
giữa chức tư tế phổ quát (giáo dân) với tư tế thừa tác (linh mục), nhưng chưa
đưa ra một lộ trình cải cách rõ rệt. Hơn nữa, lác đác trong các văn kiện của
Công đồng vẫn còn hiện diện sự phân cấp đó. Ngoài ra, các văn kiện Công đồng và
nhất là Bộ Giáo luật vẫn định nghĩa giáo dân theo chiều hướng tiền Vatican II.
Trước cũng như sau Vatican II, giáo dân vẫn chưa có căn tính. Họ chỉ là những người ‘không
phải là’ giáo sĩ hoặc tu sĩ. Người ta vẫn tiếp tục sử dụng lối định nghĩa
phủ định căn tính. Giáo luật hiện hành 1983 định nghĩa các tín hữu như sau: “Trong
Giáo hội, giữa các tín hữu Kitô có những thừa tác viên chức thánh mà trong Giáo
luật cũng gọi là giáo sĩ, còn các người khác gọi là giáo dân. Trong cả hai thành phần ấy, có
những Kitô được thánh hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và phục vụ sứ mạng
cứu độ của Giáo Hội do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm bằng những lời khấn
hoặc những mối ràng buộc thánh khác, được giáo hội công nhận và phê chuẩn” (Điều 207). Sau Vatican II,
lối hành văn được đổi mới, nhưng nội dung vẫn không có gì mới so với các văn bản
trước: “Giáo dân được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức
thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận” (Lumen Gentium, số 31- xem
Giáo luật 1917, điều 240).
Nhưng Giáo Hội vẫn tiếp tục cuộc hành trình trong thiên niên
kỷ mới, chúng ta cần tái khám phá căn tính Dân Thiên Chúa, đồng thời giảm thiểu
và, nếu có thể thì xóa bỏ, sự phân cách giữa mọi thành phần Dân Chúa. Nhấn mạnh
quá đáng đến sự khác biệt giữa giáo sĩ và giáo dân sẽ tiếp tục tạo thành một sự
đối lập ngay trong lòng cộng đồng Dân Chúa, thay vì phải tận lực hiệp thông và
hiệp nhất để giúp Giáo Hội trả lời những thách đố của thời đại toàn cầu hóa này.
Tông Huấn Giáo Hội tại châu Á đã cố gắng trả lời cho thách đố
này khi trình bày Giáo Hội như một cộng
đoàn hiệp thông hay Dân Thiên Chúa: “Trọng tâm của mầu nhiệm
Giáo Hội chính là mối hiệp thông nối kết Đức Kitô Lang Quân với mọi người đã
lãnh nhận phép Rửa... Do đó, mục tiêu hàng đầu của Giáo Hội là phải sống bí
tích biểu hiện sự kết hiệp thâm sâu của con người với Thiên Chúa và, vì sự hiệp
thông giữa con người với nhau xuất phát từ sự hiệp thông của họ với Thiên Chúa
nên Giáo Hội cũng là bí tích của sự hiệp nhất của nhân loại” (EA 24). Do
đó, Giáo hội phải là một tiến trình đi đến sự hiệp thông ở mọi cấp bậc, và tiến
trình ấy sẽ được viên mãn trong vương quốc Thiên Chúa. “Trong tiến trình
này, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều đóng vai trò chủ yếu”
(EA 18).
Tông Huấn công khai nhìn nhận sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội
hôm nay. Trong “Sứ điệp” gởi cộng đòan Dân Chúa, các giám mục Á châu khẳng
định: “Giáo dân có một vai trò quan trọng trong Giáo hội ở ngàn năm thứ ba. Có
nhiều dấu hiệu chứng tỏ Chúa Thánh Linh đang chuẩn bị để giáo dân giữ một vai
trò ngày càng quan trọng hơn trong Ngàn năm thứ ba, Ngàn năm có thể được gọi là
kỷ nguyên của giáo dân. Trong số các dấu hiệu ấy, người
ta ghi nhận sự dấn thân của giáo dân trong công cuộc truyền giáo, việc tham gia
vào sinh hoạt của Giáo hội và tích cực hăng hái tham dự các cộng đòan Kitô hữu
nền tảng” . Dĩ nhiên, “để giáo dân có khả năng họat động biến đổi các cơ cấu xã
hội, văn hóa, chính trị và kinh tế trong thế giới hôm nay”, hàng Giáo phẩm có
trách nhiệm “truyền thông cho họ một kiến thức đầy đủ về giáo huấn xã hội Công
giáo và giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề luân lý đạo đức”[16].
Như thế, Giáo Hội được quan niệm là
‘Dân Chúa’, nghĩa là ‘Giáo Hội của Giáo Dân (laos)’ theo nghĩa Kinh
Thánh của từ ngữ này. Ơn gọi của Giáo Hội vượt hẳn lên trên cấu trúc phẩm trật chia cách
giáo sĩ khỏi giáo dân. Tông huấn viết:“Điều các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng
quan tâm nhất là làm sao cho Giáo Hội trở thành một Giáo Hội mà mọi người đều
tham gia, trong đó không ai cảm thấy mình bị loại trư” (EA 45c). Nói thế
không phải là phủ nhận sự khác biệt giữa các trách vụ và đặc sủng trong Giáo Hội,
nhưng để tái khám phá Giáo Hội là Dân Chúa, là một cộng đồng hiệp thông trên trần
gian, là dấu chỉ bí tích cho sự hiệp thông của ba Ngôi Thiên Chúa nhằm tác động
hướng nhân loại trở thành một vương quốc của Thiên Chúa. Nếu trong Giáo Hội, sự
hiệp thông và hiệp nhất này chưa trở thành hiện thực, thì tìm đâu ra dấu chỉ
cho Nước Trời?
6- Trong thực tại Việt Nam
Ngày
24-11-1960, qua tự sắc Venerabilium Nostrorum, đức Gioan XXIII thiết lập Hàng
Giáo phẩm Việt Nam ,
với ba Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sàigòn. Vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước,
chỉ hai Giáo tỉnh Huế và Sàigòn có những sinh hoạt định kỳ theo tư cách Hội
đồng Giám mục. Khi Công đồng Vatican II khai mạc, cũng chỉ có 17 Giám mục cư
ngụ trong hai Giáo tỉnh nói trên tham dự.
Không
một giám mục, giáo sỹ hoặc giáo dân nào thuộc Giáo tỉnh Hà Nội hiện diện tại
Công đồng. Giáo tỉnh Hà Nội không được tiếp xúc trực tiếp với Công đồng. Tại
cuộc tọa đàm “40 năm bế mạc Công đồng Vatican II – 25 năm thực hiện Thư chung
HĐGMVN 1980” tổ chức vào ngày 20.9.2005, đức cha Nguyễn Văn Sang đã thú nhận
rằng mặc dù lúc ấy đang là giáo sư ĐCV Hà Nội, nhưng chẳng hề có một thông tin
nào về Công đồng. Khoảng năm, sáu năm sau khi Công đồng bế mạc một thành viên
của Mặt trận Tổ quốc mới tặng cho một cuốn sách nhỏ về Công đồng. Chính vì vậy,
chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Công đồng đã kết thúc hàng mấy chục năm, thế
mà lối sống, nếp nghĩ và hành vi, thái độ … của nhiều nơi ở Miền Bắc vẫn còn
khá đậm nét gai đoạn tiền công đồng!
Một số
giám mục Miền Nam Việt Nam
cũng phát biểu và đóng góp ý kiến, tại các phiên họp của Công đồng. Nhưng nói
chung, ý kiến của các vị khá cổ điển và lạc lõng trong bối cảnh Công đồng. Trừ
một vài ngoại lệ hiếm hoi, phát biểu của Hàng Giám mục Việt Nam lúc đó ít khi đi vào những điểm
nóng của Công đồng và vì vậy không để lại một dấu ấn nào trong các bản văn,
cũng như trong định hướng tương lai của Giáo hội.
Tại
Miền Nam ,
các giám mục tham dự Công đồng cũng trình bày sơ lược một số văn kiện Công đồng
qua các buổi nói chuyện, các cuộc tĩnh tâm và các bài giảng đó đây. Tạp chí
Sống đạo, Đức Mẹ hằng Cứu giúp, Sacerdos, Nhà Chúa … đăng một số bài viết về
Công đồng. Nhưng vẫn rất hiếm những cuộc hội thảo hay buổi thuyết trình chuyên
đề về Công đồng. Hai văn kiện được dịch trước nhất và phổ biến nhiều nhất đó là
Hiến chế Mục vụ “Giáo hội trong thế giới hôm nay” và Sắc lệnh về “Canh tân và
thích nghi đời sống tu trì”. Mãi đến năm 1972 mới xuất hiện bản dịch khác của
Giáo hoàng Học viện Piô X. Bản dịch này được đại chúng đón nhận, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót cả về văn thể, lẫn
nội dung. Giáo hoàng Học viện đã tiếp thu các đề nghị sửa đổi và quyết định có
những hiệu đính cần thiết cho lần tái bản. Rất tiếc, vì hoàn cảnh chiến tranh ý
định đó chưa được thực hiện. Mãi đến năm 2012 mới có bản dịch chính thức.
Nhìn
chung, người giáo dân Việt Nam, ở trong nước cũng như tại hải ngoại, rất có
lòng với Giáo hội, chăm lo “giữ Đạo”, tích cực tham gia vào các lễ nghi phụng
vụ, hành hương, rước kiệu, xây dựng thánh đường, nhưng khá thờ ơ đối với sứ vụ
rao giảng Tin Mừng và những công tác xây dựng xã hội trần thế theo giáo huấn xã
hội của Giáo hội. Não trạng “luỹ tre xanh” vẫn thịnh hành và “óc giáo sĩ trị”
vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Những người lãnh đạo trong Giáo hội chưa biết lắng
nghe những ý kiến khác biệt phát xuất từ những tấm lòng yêu mến Giáo hội và
thiết tha với con người. Thái độ trịch thượng, phân cấp, cha chú thời tiền Công
đồng vẫn tồn tại.
Riêng
tại miền Bắc, do điều kiện xã hội của thời bao cấp, đại đa số giáo dân trước
đây đã rơi vào cảnh thất học. Hơn nữa,
hầu hết giáo dân chúng ta đều là nông dân nghèo, không có điều kiện kinh tế và
thiếu truyền thống học tập. Khoảng cách kiến thức giữa giáo dân và giáo sĩ tại
miền Bắc càng làm cho hố phân cách giữa giáo dân và giáo sĩ càng sâu rộng hơn.
Bối cảnh và điều kiện đó khó có sự tôn trọng và hợp tác bình đẳng giữa giáo dân
với giáo sĩ.
Một số
người nỗ lực thúc đẩy các giáo dân tích cực tham gia sinh hoạt cộng đoàn theo
hướng đi của Vatican II. Rất tiếc, vì những lý do khách quan và chủ quan, những
cố gắng canh tân đó chưa được đón nhận hay ít nhất chưa đạt được kết quả mong
muốn. Cho đến nay phải thành thực thú nhận là cộng đồng Công giáo Việt nam chưa
thực sự canh tân công tác tông đồ giáo dân theo chiều hướng của Công Đồng
Vaticanô II.
Trong
thời gian qua, nhiều người đã thành công trong lãnh vực kinh tế, văn hoá, khoa
học. Không hiểu tại sao vẫn thường xuyên lặp lại điệp khúc người giáo dân Việt Nam
chưa trưởng thành và chưa được đào tạo đúng mức? Tại sao chưa có hay có quá ít
người giáo dân trí thức? Đã có người giáo dân trưởng thành chưa và người giáo
dân thưởng thành phải như thế nào? Thái
độ thụ động chờ lệnh hoặc tán tụng và kêu la, phải chăng là một biểu hiệu của
tình trạng thiếu trưởng thành và không phù hợp với tinh thần của công đồng
Vatican II ?
Theo đề
nghị của Tông huấn Giáo hội tại Á châu, một mặt chúng ta cần chuyển đổi não
trạng, tích cực tiếp thu đường hướng của Vatican II, mặt khác cần nâng cấp
trình độ của giáo dân qua các lớp thần học giáo dân, khóa tập huấn cho Hội đồng
Mục vụ, giáo lý viên.
7- Thay lời kết
Chúng
ta đang ở trong “Năm Đức tin” và “Năm Tân Phúc Âm hóa”. Sứ vụ Tân Phúc Âm
hóa đòi hỏi tất cả các Kitô, giáo sĩ cũng như giáo dân, phải đổi mới về phương
thức, ngôn ngữ, hình thức diễn tả và nhất là lòng nhiệt thành mới để có thể
loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay.
Theo
Liên HĐGM Á châu, “sứ vụ Tân Phúc Âm hóa kêu gọi các sứ giả TM phải canh tân
đổi mới với một linh đạo được đổi mới, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền
giáo, linh đạo Tân Phúc âm hóa. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình cần
phải trở thành trường dạy nền linh đạo này. Sứ vụ này đòi hỏi các nhà thừa sai
mới phải sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống
Đức Kitô trong tâm tư và thái độ, và phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ vụ này
đòi hỏi phải có niềm tin sống động vào Chúa, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa
Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động”.
Thiếu
vắng sư hiệp thông và hiệp nhất giữa tất cả các thành phần Dân Chúa, chúng ta
sẽ không thể trả lời cho những thách đố của thời đại. Lúa đang chín rộ, nhưng
thiếu những sứ giả Tin Mừng có xác tín, đầy nhiệt tâm và hăng say dấn thân.
Việc loan báo Tin Mừng cho các sắc tộc tại Tây Bắc và Tây Nguyên là một kinh
nghiêm rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Không thể thực hiện sứ vụ này nếu không
có sự cộng tác chặt chẽ giữa giáo sĩ và giáo dân. Hơn nưa, phải chăng cần để
giáo dân dẫn đường chỉ lối?
[2] M.D. Koster,
Ekklesiologie im Werden, Paderborn,
1940, tr. 143.
[3] Xem
Anschaire Vonier, The people of God, Londres, 1937; N.A. Dahl, Das
Volk Gottes, Oslo, 1941; L. Cerfaux, La théologie de l’Eglise suivant
Saint Paul, Cerf, 1942 ; C. Spicq, L’Eglise du Christ, in La
Sainte Eglise universelle, Neuchâtel-Paris, 1948; A. Oepke, Das neue
Gottesvolk in Schrifftum ..., 1950; F. Asensio, Yahveh y su Pueblo, Roma,
1953; Paul Grelot, art. Peuple, in Vocabulaire de
théologie biblique, Paris, 1962, col. 815-826; G. Von Rad, Le Peuple de Dieu
dans l’A.T., Neuchâtel-Paris, 1960…
[4] Y. Congar,
« L’Eglise comme peuple de
Dieu », in Concilium, 1 (1965), 31-32.
[5] R. Schnackenburg,
L’Eglise dans le Nouveau Testament, Paris,
1964, 184-185.
[6] Gioan
XXIII, Loan báo Công đồng, ngày 25
tháng giêng năm 1959, trong A. & G. Alberigo, Giovanni XXIII profezia
nelle fedeltà, Brescia, 1978, tr. 274-278.
[7] Gioan
XXIII, Sắc chỉ triệu tập Công đồng « Humanae salutis », ngaøy
25-12-1961. Xin xem A. & G. Alberigo, Giovanni XXIII profezia nella fedeltà, Brescia, Querinia, 1978.
[9] Lumen
gentium, số 5.
[10]
Ibidem, số 8.
[11] Vatican II, Lumen
Gentium, số 9.
[12]
Ibidem.
[13] Ibidem, số
9.
[14] Cf. Y.
Congar, L’Eglise comme Peuple de Dieu, in Concilium 1965/1
[15] Lumen
Gentium, số 7.
[16]
Ibidem, số 32.
[17] Lumen
Gentium, số 8.
[18]
Ibidem, số 10.
[19] Presbyterorum Ordinis, số 2.
[20] Lumen Gentium, số 32.
[21] Lumen Gentium, số 32.
[22]
Ibidem, số 27.
[23]
Ibidem, số 32.
[24]
Ibidem, số 10.
[25] 1Pr
2, 5,9.
[26] Kh 1,
5-6.
[27]
Ibidem, số 32.
[28]
Ibidem
[29]
Presbyterorum Ordinis, số 3.
[30]
Ibidem, số 3.
[31]
Ibidem, số 3.
[33] Presbyterorum
Ordinis, số 4. Thánh Âu Tinh suy nghĩ sâu sắc về
căn tính Kitô giáo và
mối tương quan phức tạp giữa tư tế cộng đồng với tư tế thừa tác: “Nếu tôi hạ
thấp xuống đồng hàng với anh em, tôi tự an ủi mình là được ở với anh em. Bởi vì
cho anh em, mà tôi trở thành Giám Mục, nhưng với anh em, tôi là Kitô hữu. Giám
mục là tước hiệu do phận vụ, còn Kitô là tước hiệu của ân sủng: bởi lẽ tuớc
hiệu giám mục là tước hiệu nguy hiểm, còn Kitô hữu là danh tánh cứu rỗi". Việc Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức đã
nói lên một cách hùng hồn rằng thừa tác vụ linh mục là để phục vụ cộng đồng Dân
Chúa.
[34]
Presbyterorum Ordinis, số 9. Xem Lumen Gentium, số 37.
[35] Xem
Presbyterorum Ordinis, số 6.
[36] Hội
đồng Giáo Hoàng về CL & HB, Tóm lược Học thuyết Xã hội của GH Công giáo,
số 567.
[37] Gaudium et
Spes, số 43.
[38] Ibidem.
[39] Lumen
Gentium, số 37. Xem Presbyterorum Ordinis, số 9.
[40] Lumen
Gentium, số 37.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét