Hãy tạ ơn Ta vì một ngày mới (GOD)

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Giải đáp về Thánh Lễ (1)

Thánh lễ bắt nguồn từ đâu?

1. Thánh lễ bắt nguồn từ đâu?

Trong Giáo hội Công giáo, với phong trào canh tân Phụng vụ khởi phát ít lâu trước Công đồng Vatican II (1962-1965), được thảo luận rộng rãi trong Công đồng, và dần dần được áp dụng với những thay đổi mà ta đã thấy khá quen thuộc như hiện nay, người ta càng ngày càng ý thức sâu sắc hơn về ý nghĩa đích thực của Thánh lễ như là hành vi cảm tạ, ngợi khen và hân hoan. Thật vậy, Thánh lễ là hiến tế tạ ơn. Cách gọi này đã xuất hiện từ lâu và gợi lên lịch sử của Thánh lễ. Thánh lễ bắt nguồn từ một nghi thức của Dothái, nghi thức vọng Lễ Vượt Qua, trong đó mỗi gia đình người Dothái dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã thương giải phóng dân tộc của họ thoát khỏi ách nô lệ của Aicập, cảm tạ Người vì những cuộc giải cứu khác về mặt thiêng liêng mà cuộc giải phóng đầu tiên này là dấu chỉ. Nghi thức Vượt Qua cũng loan báo Đấng Cứu Tinh sẽ đến, là Đấng Thiên Sai sẽ chiến thắng sự chết và tội lỗi, và sẽ đưa lịch sử thánh đến sự hoàn tất.
Diễn tiến của nghi thức này cũng chính là diễn tiến mà chúng ta gặp trong Thánh lễ hôm nay: nhắc lại những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Người, tiếng hát và lời tạ ơn, chúc tụng và chia sẻ bánh, rượu.
Bạn đừng ngạc nhiên về những điểm giống nhau của Thánh lễ với nghi thức Vượt Qua của người Dothái: bởi trong chính một buổi cử hành Lễ Vượt Qua, Chúa Kitô đã lập Bí tích Thánh Thể. Thay vì chỉ chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho bánh, rượu và mọi điều hạnh phúc, Chúa Giêsu "cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: "Này là Mình Thầy, chịu phó nộp vì các con : các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy". Cũng vậy, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: "Chén này là Giao Ước mới trong máu Thầy; mỗi lần các con uống, các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy" (1 Cr 11,23-25).
Như vậy, chúng ta thấy rõ Bữa Tiệc Ly bắt nguồn từ một nghi thức tạ ơn của người Dothái được cử hành để tưởng nhớ cuộc giải phóng của dân riêng Thiên Chúa. Nhưng dù vẫn giữ lại ý nghĩa của nghi thức này, Chúa Kitô lại làm phong phú thêm bằng một ý nghĩa mới mang tầm vóc hoàn vũ. Chính Người, là Đấng Cứu Tinh mà mọi người mong đợi, đang thực hiện cuộc giải phóng dân mới của Chúa, tức là Giáo Hội, được cứu độ bởi Thánh Giá và sự phục sinh của Người. Từ Bữa Tiệc Ly đó, các Kitô hữu dâng lên Chúa Cha, mỗi ngày và mọi nơi, của lễ hy sinh và tạ ơn của chính Chúa Kitô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét