19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Suy Niệm:
LỄ CHÚA THÁNH THẦN
HIỆN XUỐNG-C
(Cv 2,1-11; 1Cr
12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
QUÀ TẶNG YÊU THƯƠNG
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội,
chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần chính là quà tặng tình
thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tình thương của Thiên Chúa được thể
hiện từ tình yêu tạo dựng đến tình yêu cứu độ, và trong thời của Giáo Hội, Chúa
Thánh Thần tiếp tục hoàn tất tình yêu cứu độ ấy bằng tình yêu thánh hoá. Chúa
Thánh Thần đến, Ngài chính thức khai sinh Giáo Hội. Ngài biến đổi Giáo Hội nên
vững mạnh và hướng dẫn Giáo Hội thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho
muôn dân.
1.
Khai sinh Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần
Trong suốt hành trình tại thế, Đức Giêsu
đã chuẩn bị cho công cuộc thiết lập Giáo Hội, bằng việc dạy dỗ, hướng dẫn các
Tông đồ cũng như dân chúng đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa để được
cứu độ. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu thổi hơi trao ban Thánh Thần cho các môn
đệ. Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính thức công khai hóa Giáo Hội qua ơn ban bình an và lửa mến tràn ngập nơi tâm hồn các Tông đồ.
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trùng với
ngày lễ Ngũ Tuần của người Dothái. Lễ Ngũ Tuần được cử hành 50 ngày sau Lễ Vượt
Qua. Hôm nay, 50 ngày sau biến cố Đức Giêsu Phục Sinh, Ngài đã trao ban Thánh
Thần cho các môn đệ để các ông ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nếu Lễ
Ngũ Tuần được cử hành để tưởng nhớ biến cố trao ban Giao Ước Sinai, một biến cố
hoàn tất cuộc Vượt Qua của Dân Israel và khai sinh Dân Thiên Chúa với những hệ
luận thực hành trong đời sống của họ; thì biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống
hoàn tất cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu và hình thành Giáo Hội là Dân Israel mới của Thiên Chúa, đồng thời kéo
theo hệ luận trong đời sống của dân mới này, đó là loan báo Tin Mừng. Như thế,
biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đã khai
sinh Giáo Hội cùng với sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Kính thưa cộng đoàn, mỗi người chúng ta
cũng được khai sinh trong lòng Giáo Hội qua bí tích Thánh Tẩy với ơn Chúa Thánh
Thần. Chúng ta còn được trao ban dồi dào Thánh Thần Chúa qua bí tích thêm sức để
trở nên chứng nhân của Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về những ân huệ cao quý đó
và hãy để cho Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời mình trên đường cứu độ.
2.
Thánh Thần biến đổi Giáo Hội trong tình yêu và lửa mến
Chúa Giêsu đã từng hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến
nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi
điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi
điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Sau khi Phục sinh, Đức Giêsu
thổi “Thần Khí” vào các môn đệ nhằm tái tạo họ thành những con nguời mới với
tinh thần mới, để xây dựng Israel mới là Giáo Hội.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã
được Chúa Thánh Thần biến đổi cách lạ thường. Từ những người nhát đảm, sợ sệt, trở
nên những người can đảm, mạnh mẽ; từ những người khép kín, trở nên những người rộng
mở, bung cửa ra đi công bố Tin Mừng, bất chấp mọi khó khăn; từ những người kém
cỏi, trở nên những người thông hiểu.
Với ơn Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã
được biến đổi hoàn toàn để trở nên chứng nhân của lòng thương xót với tình yêu
và lửa mên nồng nàn.
Kính thưa cộng đoàn, mỗi người chúng ta
cũng cần xin ơn Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta. Vì biết bao lần chúng ta đã
lựa chọn sự hời hợt, hình thức, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo; biết bao lần
chúng ta gây nên ghen tương, vu khống, thù hận; biết bao lần chúng ta đã thiếu
niềm tin, thiếu lòng trông cậy và tình yêu mến Chúa trong đời sống đạo của mình.
Khi được Thánh Thần biến đổi chúng ta sẽ sinh những hoa trái như thánh Phaolô
nói: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục,
nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí,
thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,22-23a.25).
3.
Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội thi hành sứ vụ
Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống được
sách Cv tường thuật qua những dấu chỉ: “gió” và “hình lưỡi lửa”. Theo truyền thống
Dothái, “gió” làm ta liên tưởng đến cuộc sáng tạo trong St (x.St 1 và 2,7). “Lửa”
biểu lộ sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa với Dân như đã xảy ra khi Ngài ban
“Mười Điều răn” ở trên Núi Sinai (x.Xh 19,18). “Lưỡi” liên quan đến sứ vụ rao giảng và làm chứng bằng lời. Những
“lưỡi lửa” đậu xuống từng người nghĩa là Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ và
biến họ thành những người thi hành nhiệm vụ ngôn sứ: “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng
khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).
Khi đã được Chúa Thánh Thần biến đổi,
các Tông đồ mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa
cho muôn dân như lời Chúa Giêsu đã truyền: “Chúa
Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Các ngài hoàn toàn để
Thánh Thần hướng dẫn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Được Thánh Thần hướng dẫn,
các Tông đồ cảm nhận được rằng loan báo Tin Mừng là một điều cấp thiết đến độ
không thể không thi hành. Thánh Phaolô xác quyết: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Kính thưa cộng đoàn, trong thư gửi tín hữu
Cr mà chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong
đời sống chứng nhân của mỗi tín hữu. Chỉ có một Thánh Thần duy nhất, nhưng quyền
năng đa dạng của Người làm cho đời sống của Giáo Hội được phong phú qua các đặc
sủng Người ban cho từng người.
Hình ảnh các chi thể liên kết với nhau
trong một thân thể duy nhất cho thấy Đức Giêsu Phục Sinh đã nhờ Thánh Thần của
Người để liên kết các Kitô hữu nên một trong một thân thể là Giáo Hội. Do đó, chúng
ta cần liên đới và cộng tác với nhau theo khả năng mà Thánh Thần ban mỗi người
để cùng góp phần xây dựng Giáo Hội. Sự hiệp nhất ấy là lời loan báo sống động của
chúng ta.
Xưa Chúa Thánh Thần đã biến đổi các Tông
đồ thế nào, thì nay xin Ngài cũng biến đổi chúng ta nên những con người mới, với
tình yêu và lửa mến.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến để
biến đối tâm hồn chúng con, cho chúng con được can đảm tuyên xưng Chúa và làm
chứng cho lòng thương xót của Chúa trong lòng xã hội hôm nay. Amen.
Lm.Jos. Anh Tuấn
Cv 2,1-11
1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người
đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh
ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình
lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được
tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng
Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những
người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều
người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của
mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải
là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ
đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam,
Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân
Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào
là những người từ Rô-ma đến đây ; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo
theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ
dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !"
1Cr 12,3b-7.12-13
3 Vì thế, tôi nói cho anh em biết: chẳng
có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: "Giê-su là đồ khốn kiếp!";
cũng không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy
không ở trong Thần Khí.
4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ
có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có
nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi
người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. 12 Thật vậy,
ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận
của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13
Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta
đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả
chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét