Hãy tạ ơn Ta vì một ngày mới (GOD)

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI TÍN HỮU

Ga 16,12-15
12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.
13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.
14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
Suy Niệm

Lễ Chúa Ba Ngôi- năm C
(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)
BA NGÔI THIÊN CHÚA
TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI TÍN HỮU
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản (Nhập Thể, Cứu Chuộc) và là trọng tâm của đức tin chúng ta. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Ba Ngôi trong đời sống đức tin của người tín hữu.
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được gọi là mầu nhiệm cả trong đạo, tức là mầu nhiệm quan trọng nhất. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, lý trí con người, không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề như trong toán học: giữa 1 và 3, 3 và 1. Ba Ngôi vị nhưng là 1 Thiên Chúa duy nhất. Chẳng bài toán nào có thể tính được; cũng như chẳng ai định nghĩa được trọn vẹn tình yêu là gì. Chỉ sống trong tình yêu chúng ta mới phần nào hiểu được sự nên một của Ba Ngôi, vì Thiên Chúa là tình yêu.
Trong Cựu Ước, ý niệm về một Chúa Ba Ngôi còn mơ hồ. Có chăng chỉ là một chút bóng dáng như trong bài đọc I, trích sách Châm Ngôn mà chúng ta vừa nghe. Tác giả nói về Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ. Cho dù chỉ mang tính chất thi ca, nhưng nó cũng mở ra những mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Đức Khôn Ngoan của Ngài và vén mở về một cuộc sống nội tại ở nơi Thiên Chúa, một sự chuẩn bị xa cho mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Nhờ Chúa Giêsu mạc khải mà ta biết được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Cha-Con-Thánh Thần.
Trong bài Tin Mừng Ga hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải về Ba Ngôi, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần. Những gì Chúa Con mặc khải đều lãnh nhận từ Chúa Cha. Còn Chúa Thánh Thần mà Chúa Con sai đến từ Chúa Cha sẽ nhắc nhớ cho các môn đệ hiểu rõ tất cả những gì Chúa Con đã dạy, nhờ đó các môn đệ được dẫn đến sự thật toàn vẹn.
Đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rm hôm nay nói đến vai trò của Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu: nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa qua lòng tin-cậy-mến. Như thế, chúng ta thấy, mầu nhiệm Ba Ngôi gắn liền với đời sống người tín hữu.
2. Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu
Người tín hữu chỉ có thể sống và hoạt động trong Chúa Ba Ngôi. Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta thấy: chúng ta được sinh ra trong Chúa Ba Ngôi; được tái sinh trong phép rửa nhân danh Ba Ngôi; được cứu chuộc trong Chúa Ba Ngôi; được thánh hoá nhờ Chúa Ba Ngôi và hy vọng sẽ được sống bên Chúa Ba Ngôi đời đời trên Thiên Đàng.
Đời sống người tín hữu luôn diễn tả và tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi trong kinh tin kính, kinh sáng danh và các kinh nguyện khác. Kết thúc các lời nguyện trong phụng vụ đều hướng về Chúa Ba Ngôi. Ngay cả bài dâng hoa kính Đức Mẹ chúng ta cũng tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, dấu thánh giá là cách tuyên xưng Chúa Ba Ngôi cách đơn sơ nhất, dễ thực hiện nhất. Đó cũng là dấu chỉ chúng ta thuộc về Thiên Chúa, dấu để nhận biết chúng ta là người kitô hữu.
Chúa Ba Ngôi còn được diễn tả trong hội hoạ và kiến trúc. Nhà thờ chính tòa Lạng Sơn chúng ta có nhiều biểu tượng về Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi cứu chuộc (tranh trên cung thánh) và Ba Ngôi thánh hoá (tấm bình phong Chúa chịu phép rửa tại tiền sảnh) và Ba Ngôi sáng tạo (trần). Ba Ngôi sáng tạo được diễn tả rất tinh tế và sinh động trên trần nhà thờ mà đã có dịp ĐC Kiệt giới thiệu cho chúng ta. Đây là nét hội nhập văn hoá rất độc đáo diễn tả về Ba Ngôi trong nhà thờ này. Với nhà sàn dân tộc miền núi, bếp lửa luôn ở giữa nhà; nhà sàn làm nơi Chúa ngự đây, bếp lửa được thay bằng một lò lửa lớn trên trần với những cánh hoa hồi. Mầu nhiệm Ba Ngôi được trình bày theo triết lý Đông phương: Tại trung tâm là vòng tròn Thái cực chứa đựng lưỡng nghi với 3 cánh thiên thần tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi, (phỏng theo tranh của họa sĩ Roublev, minh họa cảnh Ba Ngôi đến dùng bữa trước cửa lều của tổ phụ Abraham x.St18,1-16). Chung quanh là những bông hoa hồi 4 cánh xếp lệch nhau tạo thành thế tứ tượng và bát quái ngày càng tỏa rộng ra. Thoạt tiên có Thái cực=>Thái cực sinh Lưỡng nghi=>Lưỡng nghi sinh Tứ tượng=>Tứ tượng sinh bát quái và cứ thế sinh ra trời đất muôn vật. Ba Ngôi chính là một lò lửa tình yêu hiệp thông. Từ nguồn mạch tình yêu hiệp thông đó tạo nên sự sống nội tại nơi Thiên Chúa và tràn lan ra cả đất trời, phát sinh muôn loài muôn vật.
3. Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
Kính thưa cộng đoàn, Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi thật cao vời, nhưng cũng rất gần với cuộc sống chúng ta. Chúng ta cần ý thức để sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong cuộc sống thường ngày.
Mỗi lần chúng ta làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng và sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. (câu chuyện chấm mực làm dấu). Đôi khi chúng ta cũng làm dấu như đuổi ruồi vậy. Chúng ta hãy làm dấu với tất cả sự cung kính và lòng tin mến để tuyên xưng về Chúa Ba Ngôi.
Trong một ngày sống, từ khi thức dậy đến lúc đi ngủ chúng ta làm dấu rất nhiều lần: Khi thức dậy làm dấu dâng ngày mới, lúc đi ngủ làm dấu tạ ơn, trước và sau bữa ăn, trước và sau mỗi giờ kinh nguyện, trước những công việc, trước những khó khăn…chúng ta đều làm dấu thánh giá.
Những bài giáo lý đầu tiên mà cha mẹ dạy cho con cái đó là làm dấu thánh giácầu nguyện. Những hình ảnh cha mẹ dắt con đến nhà thờ, dạy cho con làm dấu, dạy cho con chào Chúa, chào Mẹ, dạy cho con ý thức về sự linh thánh trong nhà thờ qua việc giữ trang nghiêm, không nói chuyện, những hình ảnh ấy sẽ ăn sâu vào đời sống của các trẻ sau này. Đôi khi, những hành vi, cử chỉ rất đơn sơ ấy lại là những điều căn bản cho đời sống đức tin. Đó là những điều không ai thay thế bố mẹ được.
Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời để chúng ta kín múc được chính sức sống và ơn thánh của Chúa ban. Xin cho chúng ta biết góp phần làm cho gia đình, dân tộc và Hội Thánh thành cộng đoàn yêu thương và hợp nhất, theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Cn 8,22-31
22      "ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người,
          trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.
23      Ta đã được tấn phong từ đời đời,
          từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.
24      Khi chưa có các vực thẳm,
          khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra.
25      Trước khi núi non được đặt nền vững chắc,
          trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra,
26      khi ĐỨC CHÚA chưa làm ra mặt đất với khoảng không,
          và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ.
27      Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời,
          khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm,
28      khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao
          và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm,
29      khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ,
          khi Người đặt nền móng cho đất.
30      Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả.
          Ngày ngày ta là niềm vui của Người,
          trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi,
31      vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.

Rm 5,1-5
1 Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.
3 Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;
4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.
5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét