Lời Chúa Lc 19,1-10
1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi
ngang qua thành phố ấy.
2 Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng
đầu những người thu thuế, và là người giàu có.
3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su
là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.
4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một
cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.
5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !"
6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước
Người.
7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau :
"Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !"
8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng :
"Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi
đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."
9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng :
"Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ
phụ Áp-ra-ham.
10 Vì Con Người
đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Suy Niệm
Danh tiếng Chúa Giêsu đã vang ra khắp
nơi, quần chúng đi theo Chúa rất đông. Thêm vào đó là phép lạ Chúa chữa người
mù trên đường vào thành Giêricô, làm cho danh tiếng Chúa lại càng vang dội ,thu
hút thêm số người đi theo.
Ta
hãy xem hành động của ông Giakêu muốn thỏa
tính tò mò, muốn thấy mặt Chúa Giêsu. Ông là trưởng ty thuế vụ. Đối với người
Israel, ông là kẻ hợp tác với thực dân Rôma, lại mánh khóe thu nhiều hơn mức
thuế nhà nước cho phép tức là những lạm dụng, bất công, ta hay gọi là hà thu lạm bổ . Ông làm trưởng ty, tội càng lớn. Ông
cũng biết rõ ông lắm. Cái tên ông lại đáng tức cười : Giakêu có nghĩa là “
:trong sạch”; vậy mà ông chẳng trong sạch chút nào. Tuy nhiên, trước mặt xã hội,
ông có địa vị lớn vì giàu có. Ông được người ta kính trọng, nể vì, ít ra ở bề
ngoài. Thế mà ông trèỡo lên cây sung, chẳng khác một đứa trẻ. Ông không quan
tâm tới điều đó, mong sao nhìn thấy rõ mặt Chúa là được.
Chúa
đã đáp lại thiện chí của ông vượt ngoài mọi điều ông mong ước, là Chúa đề nghị
tới trọ nhà ông. Tới trọ tại nhà một người tội lỗi, đối với người dân Israel,
là một gương mù, không thể chấp nhận được. Nói chuyện với người tội lỗi, cũng
không nên, ăn cơm vói người tội lỗi là gây gương xấu huống chi tới trọ nhà tội
lỗi, tội lỗi “bậc cao”. Không thể chấp nhận được. Dư luận quần chúng nói ầm lên
: Người lại đi tới trọ nhà người tội lỗi.
Chúa
Giêsu biết rõ phản ứng chống đối của quần chúng, vậy tại sao Chúa muốn tới nhà
ông Giakêu ? Ta đã biết Chúa xin người phụ nữ
Samaria nước uống, rồi Chúa gợi cho chị xin Chúa thứ nước uống rồi không
bao giờ khát nữa, Chúa để cho người đàn bà tội lỗi xức dầu thơm nơi chân Chúa để
công khai hóa việc Chúa tha tội cho chị. Bây giờ, đến lượt Chúa đề nghị tới trọ
nhà ông Giakêu, điều này càng nói nên tình thương của Thiên Chúa, Thiên Chúa
không phải là Đấng bố thí tình thương hại, nhưng là Đấng ban tình yêu của Người.
Người giúp người ta khám phá ra giá trị cao quí của con người,khiến cho người
ta cảm thấy mình được tôn trọng, có giá, chứ không phải là súc vật, vô giá trị.
Vậy, Chúa đến nhà ông Giakêu là chấp nhận ông có một giá trị (người này là con
cháu Abraham) nhờ thế ông được hoán cải trong tự do và bình an.
Thật
vậy, lời nói của Chúa “đến trọ nhà ông” đã biến đổi đời sống của Giakêu. Ông
nói : “Thưa Người, tôi xin bố thí nửa phần
gia tài của tôi, và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi xin đền bồi gấp bốn”.
Hai việc ông sẽ làm là bố thí và đền bồi biện minh cho việc Chúa đến nhà ông, nói cho
quần chúng biết Chúa đến nhà ông là đúng. Chúa tuyên bố với quần chúng về ông :
“Ngày hôm nay, ơn cứu độ cho nhà này bởi
vì người này cũng là con cái Abraham”. Nói như vậy, Chúa đã sửa sai quan niệm
khô cứng của biệt phái là kẻ tội lỗi không được ơn cứu rỗi. Chúa muốn trả lời : kẻ tội lỗi biết ăn năn hối cải cũng được cứu
rỗi.
Thật sự, Giakêu còn gì phải trách nữa : ông bố thí nửa
gia tài, hơn cả người Do thái đạo đức, đền trả gấp bốn như lời vua Đavit dạy (2
Sm 12, 6). Chắc chắn quần chúng khi nghe lời Giakêu nói như vậy phải nhận rằng
không lẽ lại đi phạt những người sám hối. Có thể họ băn khoăn. Chúa đẩy họ tới
một bước đồng ý với Chúa : hôm nay nhà này được ơn cứu rỗi. Kết quả là Chúa
công bố sứ mạng của Chúa : Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư đi. Đám đông quần chúng đi theo Chúa, nhưng
không biết bao nhiêu người thực sự đón tiếp Chúa như Giakêu nghĩa là đón tiếp
Chúa để đời sống mình được hóan cải, để Chúa ban ơn cứu độ ? Chúng ta giữ đạo
nhiều lắm rồi, có khi nào chúng ta đón tiếp Chúa như Giakêu chưa ? Chúng ta thường
đón tiếp Chúa trong vẻ huy hoàng bề ngoài tốt đẹp của mình nhưng cuộc sống thì
sao ? Bài Tin Mừng này thường đọc trong dịp lễ Dâng hiến thánh đường cho biết Đền
thờ không phải là vẻ huy hoàng tráng lệ bên ngoài, nhưng là nơi Thiên Chúa gặp
gỡ dân, gặp gỡ người tội lỗi để cứu độ. Người ta chỉ có thể gặp gỡ Thiên Chúa
nơi chính con người Chúa Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét