Hãy tạ ơn Ta vì một ngày mới (GOD)

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Nhận định về "Lumen Fidei": Biết Đấng chúng ta yêu mến

Linh mục Drew Christiansen, S. J., cựu chủ bút của America, và hiện là học giả thỉnh giảng của Boston College, thì cho rằng thông điệp Ánh Sáng Đức Tin phần lớn phản ảnh tư duy của Đức Bênêđíctô XVI: nại nhiều tới các tiến sĩ của Giáo Hội, thánh thiêng hóa triết lý Hy Lạp và ưu tư nhiều đối với chủ nghĩa vô thần thế kỷ 19. Song song với những điều đó là việc quan tâm tới chân lý đơn nhất như là đối tượng của đức tin, tới việc bênh vực tính toàn vẹn của kho tàng đức tin, tới ngữ cảnh Giáo Hội của Đức Tin và tới trách nhiệm của huấn quyền trong việc gìn giữ tính toàn bộ của đức tin chống lại sự xâm thực của thời gian.
Dĩ nhiên, vì là bản văn phần lớn do Đức Bênêđíctô XVI soạn thảo, nên Thông Điệp nhiều lần nói tới sự kình chống hiện đại giữa đức tin và lý trí. Đồng thời, Thông Điệp cũng có những đoạn tích cực tuyệt vời nói tới việc con người đi tìm Thiên Chúa và việc ánh sáng đức tin soi sáng cho khoa học.
Nói tới những người không có đức tin nhưng đi tìm Thiên Chúa, Thông Điệp thừa nhận rằng “người có tinh thần tôn giáo cố gắng thấy các dấu hiệu của Thiên Chúa, trong kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày, trong chu kỳ các mùa, trong tính mầu mỡ của trái đất và trong chuyển động của vũ trụ” (số 35). Thông Điệp còn nói thêm: “Bao lâu họ thành thực mở lòng mình ra đón nhận tình yêu và lên đường với bất cứ thứ ánh sáng nào họ tìm thấy, thì người tìm kiếm đã đang ở trên đường dẫn tới đức tin, dù họ không biết như vậy”.
Đàng khác, đức tin chiếu soi trọn sự sống, kể cả việc tìm kiếm của khoa học: “Đức tin khuyến khích nhà khoa học không ngừng cởi mở với thực tại trong mọi nét phong phú khôn lường của nó… Đức tin làm sống dậy ý thức phê phán bằng cách ngăn cản không cho nó tự hài lòng với các công thức của mình và giúp nó hiểu ra rằng thiên nhiên luôn lớn lao hơn. Bằng cách kích thích sự bỡ ngỡ trước mầu nhiệm sâu thẳm của sáng thế, đức tin mở rộng các chân trời của lý trí, dõi nhiều ánh sáng hơn cho một thế giới đang tự cơỉ mở đối với cuộc tìm hiểu của khoa học” (số 34). Dù trong thần học căn bản, những động lực thúc đẩy cho khoa học tiến bộ này có thể được giải thích như các biểu hiện của đức tin tiềm ẩn bên ngoài Chúa Kitô, nhưng khi nhìn bằng con mắt đức tin bởi những khoa học gia tín hữu như Teilhard de Chardin, chúng có cái chiều sâu Kitô (Christic depth). Chính cái chiều sâu lớn hơn của sự sống trong đức tin này là điều hai vị giáo hoàng tác giả muốn ta chú ý.
Cha Christiansen cho rằng khó nhận ra phần đóng góp riêng của Đức Phanxicô. Ngài nghĩ phần đóng góp này nằm ở chương 3 “tôi trao lại cho anh chị em điều chính tôi đã nhận được” đề cập tới việc thông truyền đức tin, và ở chương 4 “Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một kinh thành”, đề cập tới vai trò đem lại sự sống của Đức Tin trong gia đình và trong xã hội. Nhưng nếu thế thì ta phải ngạc nhiên vì Giáo Hội học ở đây xem ra không phải là Giáo Hội học phục vụ của Đức Phanxicô (Giáo Hội ở ngoài phố, nơi tai nạn có thể xẩy tới) mà là Giáo Hội học bảo vệ đức tin khỏi sai lầm của Đức Bênêđíctô. Đáng lẽ ở đây, tín hữu nên nhận được một vài tầm nhìn thông sáng của Đức Phanxicô liên quan tới việc dấn thân của Giáo Hội vào một thế giới có khả năng gây chấn thương.
Tuy nhiên, các số 37-39 đã đề cập tới việc chia sẻ Đức Tin và nhấn mạnh tới bản chất cộng đồng và bản chất Giáo Hội của Đức Tin. Phần lớn chương 3 dành để nói về việc thông truyền đức tin qua bí tích. Chương 4 cho thấy nhấn mạnh mục vụ của Đức Phanxicô, nhất là tiết kết thúc (các số 56-57) nói về vai trò ủi an của Đức Tin trước đau khổ và chết chóc.
Cha Christiansen lưu ý sợi chỉ xuyên suốt ba thông điệp Deus caritas est, Caritas in veritate và Lumen fidei. Hai thông điệp kia là của Đức Bênêđíctô. Thông điệp cuối là của chung Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô. Nhưng cả ba cùng đều nhấn mạnh tới tình yêu. Thật vậy, chính tình yêu Thiên Chúa giúp ta tin. Trích lời Thánh Phaolô “tin bằng tâm hồn” (Rm 10:10), thông điệp cho rằng “đức tin biết vì đức tin nối kết với tình yêu, vì tình yêu tự nó đem soi sáng tới”. Chính đức tin mở mắt trí khôn. Thông điệp viết: “cái hiểu của đức tin được phát sinh khi ta nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu biến đổi ta từ bên trong và giúp ta nhìn sự vật bằng con mắt mới” (số 26). Điều thật đáng lưu ý là dù rất quan tâm tới nội dung chân lý của Đức Tin, Đức Bênêđíctô vẫn phải hướng tới tình yêu để đóng ấn cho luận điểm của ngài về đức tin, mang lại cho nó cái nét thuyết phục nhất. Vì nói cho cùng, Thiên Chúa “là chủ thể tự làm cho Người được biết đến và được nhận thức trong mối liên hệ liên bản vị” (số 36).

Không những thế, ngoài hình ảnh nhìn ra, một hình ảnh làm khởi điểm cho “Ánh Sáng Đức Tin”, Đức GH còn nói tới chiều kích nghe, thậm chí cả chiều kích rờ mó nữa của đức tin. Tin Mừng làm chứng cả ba chiều kích ấy: “điều chúng tôi được nghe, điều chúng tôi được nhìn bằng con mắt và rờ mó bằng tay chân, chính là lời ban sự sống” (1Ga 1:1; LF số 31). Thông điệp cho ta hay: tình yêu đích thực “kết hợp mọi yếu tố trong con người của ta và trở nên ánh sáng mới chỉ đường ta tiến tới cuộc sống vĩ đại và thỏa đáng” (số 27). Tình yêu sản sinh ra hiểu biết vì chỉ có nó mới ôm lấy trọn bản thân ta. Tình yêu ở tâm điểm đức tin là tình yêu kết hợp ta với Chúa Kitô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét