Hãy tạ ơn Ta vì một ngày mới (GOD)

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Nhận định Lumen Fidei: Ánh sáng soi đường ta đi

Linh mục Peter Folan, S.J., cha phó Nhà Thờ Chúa Ba Ngôi ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, đặc biệt lưu ý tới số 57 của Lumen Fidei là số cho rằng đức tin không phải là ánh sáng xóa tan bóng tối mà là ngọn đèn dẫn lối ta đi trong đêm và đủ cho suốt hành trình”. Ta cũng có thể nói như thế về chính thông điệp. Vì thông điệp này quả là ánh sáng cho Giáo Hội, và do đó, cho cả nhân loại, không phải vì nó xóa bỏ mọi thách đố đối với niềm tin, mà vì nó cho thấy đức tin của Giáo Hội sẵn sàng đối mặt với các thách đố đó. Cách riêng, Lumen Fidei sẵn sàng giáp mặt với 3 thách đố sau đây:
Thứ nhất, đức tin là một kế hoạch chống đỡ (backup). Những người đặt ra thách đố này coi đức tin như một chất trét (caulk) để trám các lỗ hổng giữa cảm nghiệm và giải thích khoa học. Họ cho rằng thời gian và nghiên cứu sâu sắc cuối cùng sẽ cho thấy đức tin là điều không cần thiết, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Phần mình, Lumen Fidei, một mặt, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nhận thức và chân lý, vì “không có các giá trị này, ta không thể đứng vững, ta không thể tiến tới” (số 24) nhưng mặt khác nhận ra “một mất trí nhớ vĩ đại trong thế giới hiện đại” (số 25). Vì theo thông điệp này, các vấn đề về chân lý và nhận thức, xét trong nền tảng, chính là các vấn nạn về ký ức, vì “chúng liên hệ tới điều gì đó có trước chúng ta” (số 25). Mồi cho ngọn lửa âm ỉ của ký ức cá nhân và ký ức Giáo Hội cháy lên qua cầu nguyện và bí tích sẽ kết hợp chúng ta, trở nên không những một tế bào liên kết các giây phút rời rạc của thực tại, mà là chất cốt của chính thực tại, chỉ đường tiến tới tương lai bằng cách đặt cơ sở vững chắc trong quá khứ.

Cho dù đức tin không phải là một kế hoạch hỗ trợ đi, thì thách đố thứ hai cũng cho rằng nó chỉ là một theo đuổi cá nhân. Thách đố này, một thách đố phát sinh từ phong trào “tâm linh chứ không tôn giáo” và “đức tin đòi người ta vâng lời tối mặt”, gặp được câu trả lời mạnh mẽ từ Lumen Fidei. Trong khi nhắc độc giả nhớ rằng “đức tin không phải là chuyện tư riêng, một ý niệm hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa hay ý kiến bản thân”, thông điệp nối kết đời sống đức tin với việc nhìn và nghe để kết luận rằng đức tin “nhằm tìm cách phát biểu thành lời và được công bố” (số 22). Đức tin nhận biết do việc nhìn và nghe này khiến mắt và tai ta tập chú “vào cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô” (số 30), một cuộc gặp gỡ “được duy trì sống động trong chủ thể tưởng niệm duy nhất kia là Giáo Hội” (số 38). Như thế, Giáo Hội làm sắc cái nhìn, cái nghe và cái nhớ của cá nhân, tức đức tin của cá nhân, y hệt như cá nhân làm sắc những thứ ấy nơi Giáo Hội.

Cuối cùng, Lumen Fidei ngỏ lời với những ai cho rằng đức tin chỉ là vấn đề nội bộ của Giáo Hội. Ngược lại thì có, giống như Giáo Hội, đức tin “đặt chúng ta vào cuộc hành trình; nó làm khả hữu việc làm chứng và đối thoại với mọi người” (số 34). Mục đích của cuộc đối thoại này phải là sự nên một mà Chúa Giêsu từng cầu xin trong Tin Mừng Gioan 17, vì như lời Thánh Lêô Cả, “nếu đức tin không là một, thì nó không phải là đức tin” (số 47). Điều này kêu gọi nhiều hơn cả đại kết. Nó đòi sự hợp nhất của toàn thể nhân loại trong tình anh em, một tình anh em không dựa hoàn toàn vào bình đẳng, mà dựa vào “Cha chung làm nền tảng tối hậu” (số 54).

Ánh sáng đức tin, thứ ánh sáng làm tên và làm nội dung cho Lumen Fidei, không như “những tia sáng nhỏ nhoi chiếu sáng những khoảnh khắc mau qua chứ không có khả năng chiếu rọi đường đi” (số 3). Những tia sáng nhỏ nhoi này may ra chỉ giải quyết được một số thách đố trong nhất thời để rồi sau đó tàn lụi. Còn ánh sáng đức tin, như được trình bày trong Lumen Fidei, cho ta thấy cả con đường vượt qua các thách thức này và quá cả bên kia chúng nữa, một con đường mà Giáo Hội phải bước qua, không ngừng lữ thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét