Đức Thánh Cha Phanxicô |
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Rome, 12 tháng 4, 2013 (Le Monde vu de Rome )
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý người Công Giáo phải coi chừng
về “lối sống hai mặt”: ngài mời gọi “vâng theo Thiên Chúa” và không dung hòa
với thế gian.
Thực vậy, Đức Thánh Cha đã chủ tế Thánh Lễ 7 giờ sáng ngày
thứ năm 11 tháng 4 tại nhà nguyện Thánh Mác-ta, với sự hiện diện của ban biên
tập nhật báo L'Osservatore Romano.
Không thoả hiệp
Nhật báo Vatican cho hay
Đức Thánh Cha đã nhắc đến tâm tình của Thánh Phêrô trong bài đọc một (CVTĐ
5,27-33): trước Thượng Hội Đồng, Phêrô đã được mời gọi phải “lấy một quyết
định”.
Thực vậy thánh tông đồ có nghe “những gì các người Pharisêu
và thầy thượng tế nói”, nhưng ngài cũng nghe được “những gì Chúa Giêsu nói trong
tim ngài”: làm sao để lựa chọn một trong hai lời nói? Phêrô đã chọn: “Tôi phải
làm những gì Chúa Giêsu nói, thay vì nghe lời các ông bảo tôi phải làm”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét: “Trong đời sống chúng ta, chúng
ta cũng nghe thấy những đề nghị như vậy không đến từ Chúa Giêsu. Điều này dễ
hiểu, vì đôi khi những yếu đuối lôi kéo chúng ta đi vào con đường này.”
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, vẫn còn một “con đường khác
nguy hiểm hơn”: đó là con đường đề nghị chúng ta phải “thỏa hiệp: một phần cho
Thiên Chúa, một phần cho chúng ta. Khi làm một sự thỏa hiệp là chúng ta bước
vào cuộc sống có hai bề mặt: một chút đời sống do Chúa Giêsu chỉ định, và một
chút đời sống do thế gian chỉ định, do các quyền lực của thế gian và của bao
nhiêu điều khác nữa”.
Đức Thánh Cha nhận xét: Tuy nhiên, đây là một lối sống
“không tốt đẹp” và “không làm cho chúng ta hạnh phúc”, ngài lưu ý chống lại
chước cám dỗ này: “Nếu Phêrô đã có thể nói với các thượng tế: “Chúng ta hãy nói
với nhau như những bạn hữu và hãy thiết lập một status vivendi”, thì có thể mọi
sự sẽ diễn tiến tốt đẹp.” Nhưng như vậy thì không phải là một sự lựa chọn của
“tình yêu”.
Chính vì vậy, Đức Thánh Cha đã mời gọi “chọn lựa con đường
của Chúa Giêsu” và không “nghe theo các đề nghị của thế gian, những đề nghị của
tội lỗi hay những đề nghị nước đôi.”
Vâng lời Thiên Chúa làm cho chúng ta được tự do
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nhắc đến ba lần chữ “vâng
lời”. Nhất là khi Thánh Phêrô trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời
người phàm.”
Đức Thánh Cha tự hỏi: “vâng lời Thiên Chúa” có nghĩa là gì?
Như vậy có phải là chúng ta muốn trở thành những nô lệ không?” Không, vì chính
những ai vâng theo Thiên Chúa lại được tự do! Tại sao? Tôi vâng lời, tôi không
làm theo ý tôi và tôi tự do ? Điều này có vẻ mâu thuẫn. Nhưng lại không mâu
thuẫn.”
Thực vậy, ngài đã giải thích: “vâng lời theo tiếng La Tinh
có nghĩa là lắng nghe người khác. Vâng lời Thiên Chúa là lắng nghe Thiên Chúa,
có tâm hồn cởi mở để bước theo con đường Thiên Chúa ấn định cho chúng ta. Và
điều này làm cho chúng ta tự do.”
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh ở đây: “Thánh Thần” là nguồn trợ
lực “giúp chúng ta có sức mạnh” để vâng lời và “Chúa Cha ban cho chúng Thần Khí
vô ngần vô hạn (Ga 3, 31-36), hãy lắng nghe Chúa Giêsu, và đi theo con đường
của Chúa Giêsu.”
Can đảm theo Chúa Giêsu
Đức Thánh Cha nói: Việc chọn lựa để “bước theo con đường
Chúa Kitô” đôi khi có nguy hiểm cho đời sống, vì “những kẻ đề nghị gì khác với
Chúa Giêsu sẽ có thể thắng thế và con đường chấm dứt trong sự bị áp bức.”
Đức Thánh Cha đã nhắc đến những những Kitô hữu đang bị đàn
áp ngày nay trên thế giới: “vào lúc này, biết bao nhiêu người anh chị em chúng
ta, vì họ lắng nghe và nghe theo lời Chúa Giêsu dậy, đang chịu đau khổ vì bị áp
bức. Chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng những người anh chị em này đã trao phó
tính mạng và họ nói với chúng ta bằng đời sống của họ: “Tôi muốn vâng lời, và
đi theo con đường Chúa Giêsu ban cho tôi.”
Đức Thánh Cha kết luận: Sự lựa chọn của Chúa Kitô đòi hỏi
“phải can đảm”: “Chúng ta hãy xin được ban ơn can đảm”, nhất là lòng can đảm để
nói: “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, đôi khi con nghe theo những điều trần tục
nhưng con muốn vâng lời Chúa, con muốn đi theo con đường của Người.” Chúng ta
hãy cầu xin được ban ân sủng này để luôn luôn đi theo con đường Chúa Giêsu, và
khi chúng ta không làm được như thế, chúng ta hãy xin lỗi: Chúa sẽ tha thứ cho
chúng ta, vì điều này quá tốt đẹp.”
Báo L’Osservatore Romano cũng cho hay có sự hiện diện của
nhiều vị đồng tế từ nhiều nơi trên thế giới: Hồng y người Ấn Telesphore
Placidus Toppo, tổng giám mục Ranchi, Tổng giám mục Mario Aurelio Poli, người
kế vị Hồng y Bergoglio tại Tổng Giáo Phận Buenos Aires, Linh mục Indunil
Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage, phụ tá thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về
Đối thoại liên tôn, Đức Cha Robinson Edward Wijesinghe, thuộc Hội Đồng Giáo
Hoàng về Mục vụ di dân và người sơ tán, cũng như các giáo sĩ, tu sĩ Dòng Tên và
Phanxicô.
Trong số tham dự viên cũng có sự hiện diện của Chủ tịch và
Tổng thư ký Qũy Centesimus Annus Pro Pontifice, là hai ông Domingo Sugranyes
Bickel và Massimo Gattamelata, và hai vị này cũng có buổi họp báo cùng ngày tại
Vatican .
(Theo vietcatholic.org 4/13/2013)
Bùi Hữu Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét