Hãy tạ ơn Ta vì một ngày mới (GOD)

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Giải đáp về thánh lễ (2)

Diễn tiến thánh lễ
2. Và diễn tiến lịch sử hình thành Thánh lễ ra sao?

Các Tông đồ và giáo dân tiên khởi đã cử hành nghi thức "bẻ bánh" (danh từ các tín hữu thời ấy dùng để nói đến thánh lễ): "Hằng ngày, họ đồng tâm nhất trí chuyên cần lui tới Đền Thờ, bẻ bánh ở tư gia và ăn uống đơn sơ, vui vẻ" (Cv 2,46). Họ dùng bữa, với nghi thức "bẻ bánh", nay ở nhà người này, mai tại nhà người kia. Cộng đoàn thời ấy được xem như là một "đền thờ sống động".
Rất sớm, người ta đã thêm vào trong bữa ăn này những bài thánh ca, kinh nguyện và những bài đọc Kinh Thánh.
Chỉ từ thế kỷ IV, người ta mới nói đến "Lễ Misa" (xem chữ này ở phần cuối: Giải thích một số từ Phụng vụ). Vào thời ấy, sau khi Hoàng đế Constantinô trở lại Đạo Công giáo, người ta thấy xuất hiện những cộng đoàn đông đảo Kitô hữu. Các nghi lễ Phụng vụ chịu ảnh hưởng các nghi thức và lễ hội của người Rôma. Y phục được dùng trong các buổi lễ thời đó là nguồn gốc của tu phục, áo lễ giáo sĩ mà bạn thấy hiện nay. Dần dần, người ta không còn ý thức về ý nghĩa của cộng đoàn và của bữa ăn mà trong đó Chúa Kitô chính là lương thực nuôi sống nhân loại. Người ta rước lễ ít hơn. Vài thế kỷ sau đó thì mai một thêm ý thức về bữa ăn và về tâm tình tham dự vào hy lễ. Thánh lễ trở thành một buổi trình diễn có tính cách thánh thiêng.
Vào thế kỷ XII, việc tôn sùng đối với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nơi Bánh Thánh đưa đến việc trưng bày Bánh Thánh trên bàn thờ (Chầu Thánh Thể). Việc linh mục giơ cao bánh đã được truyền phép xuất phát từ việc các tín hữu ước mong được "nhìn" Bánh Thánh (khoảng từ năm 1200). Việc nâng cao Chén Thánh được thêm vào sau đó.
Vào thế kỷ XIII và XIV, người ta thấy xuất hiện những cuộc kiệu rước Thánh Thể đầu tiên. Tín hữu "ngắm nhìn" Thánh Thể nhưng ít khi rước lễ. Phải chờ đến triều đại của Đức Giáo hoàng Piô X, họ mới ý thức lại việc rước lễ "thường xuyên" (1905) và việc cho trẻ em rước lễ (1910).
Trong Thánh lễ, các tín hữu rất thụ động. Năm 1947, Đức Giáo hoàng Piô XII công bố Thông điệp "Mediator Dei" (Đấng Trung gian của Thiên Chúa) nhằm canh tân Phụng vụ dưới mọi phương diện, trong đó có việc mời gọi cộng đoàn đối đáp với linh mục chủ tế.
Với Công đồng Vatican II, người ta tìm lại được ý nghĩa sâu xa của Thánh lễ, được tất cả mọi người cùng cử hành dưới sự chủ toạ của linh mục, là bữa tiệc của Thiên Chúa và là nghi thức bẻ bánh. Cách đây không lâu, lòng tôn sùng Thánh Thể vẫn còn được xem như là việc đạo đức cá nhân, nay thì Thánh lễ lại trở nên hành vi tạ ơn của toàn dân Chúa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét