Hãy tạ ơn Ta vì một ngày mới (GOD)

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Chúa Phục sinh: Nền tảng đức tin Kitô giáo


"Ðức tin Kitô giáo được ăn rễ sâu trong việc phục sinh của Ðức Kitô. Nói theo thánh Phaolô: 'Nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh chị em cũng trống rỗng' (1Cr 15:14)." 

Vào thập niên cuối của năm 1950, để bôi nhọ đạo Công giáo, người Cộng sản tuyên truyền chiến dịch rỉ tai nói rằng: người Công giáo thờ Chúa chết trên thập giá. Ðiều họ nói chỉ đúng một nửa. Nửa kia họ không nói là Chúa làm người đã sống lại từ cõi chết.
Như đã được chép trong Thánh kinh rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại (Lc 24:46). Chính Ðức Giêsu cũng tiên báo Người phải chịu khổ hình, chịu chết và sống lại ngày thứ ba (Mt 16:21; 17:9; 17:23; 20:19; Mc 8:31; 9:9; 9:31; 10:34; Lc 9:22; 18:33; Ga 2:19). Nếu vậy thì ai đã làm chứng cho việc Ðức Giêsu sống lại?
Lúc đầu chính các môn đệ không tin việc Thầy mình sống lại như  Phúc âm thánh Gioan ghi lại hôm nay: Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết (Tv 16:10; Ga 20:9). Còn các tông đồ thì cũng thuộc loại: cá mè một lứa, không hơn gì các môn đệ trong việc tin tưởng. Khi Chúa hiện ra đứng giữa các ông, các tông đồ tưởng là họ thấy ma (Ga 24:37). Khi các tông đồ đã tin và nói với ông Thôma là Thầy các ông đã sống lại, ông Thôma nhất định không tin (Ga 20:25).
Rồi chính các tông đồ đã trông thấy Người, ăn uống với Người sau khi Người sống lại từ cõi chết (Cv 10:41). Theo ngạn ngữ La tinh trong toà án pháp luật, một người chứng thì vô hiệu: Testis unus, testis nullus nghĩa là nhất chứng phi chứng. Trường hợp ở đây thì không phải một người làm chứng, mà có mười một người làm chứng cho việc Chúa sống lại. Vậy họ làm chứng cho việc Chúa sống lại thế nào? Họ làm chứng cho việc Chúa Giêsu sống lại trước thượng hội đồng Do thái. Các tông đồ chịu bách hại, tù đầy, tra tấn và chịu tử hình để làm chứng cho việc Chúa sống lại. Như vậy có thể nói được việc Chúa sống lại là một sự kiện lịch sử.
Nếu Ðức Giêsu không sống lại, thì Người chỉ là người. Nếu chỉ là người, Người không thể cứu loài người khỏi tội và khỏi chết. Nếu Ðức Giêsu không sống lại từ cõi chết thì Người không thể hủy diệt sự chết và không thể mời gọi loài người chia sẻ cuộc phục sinh với Người. Và như vậy thì loài người cũng sẽ chết như loài vật và cỏ cây qua một tiến trình: sinh lão bệnh tử mà thôi.
Ðức tin Kitô giáo được ăn rễ sâu trong việc phục sinh của Ðức Kitô. Nói theo thánh Phaolô: Nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh chị em cũng trống rỗng (1Cr 15:14). Dựa theo lời thánh Phaolô, ta có thể nói thêm: Nếu Chúa không sống lại thì việc rao giảng tin mừng Phúc âm của hàng giáo sĩ là việc mất thời giờ. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì việc cầu nguyện, giữ đạo của người tín hữu là uổng công vô ích. Chối bỏ việc Chúa sống lại, ta không còn phải là người Kitô giáo. Và có người còn nói: Nếu Chúa không sống lại thì đạo Kitô giáo đã tan biến như mây khói trong ngày thứ Sáu Chịu nạn, và các tông đồ đã trở về với nghề ngư phủ của họ, và rồi Chúa Giêsu đã bị quên lãng trong một thời gian vắn vỏi.
Khi suy niệm về những mầu nhiệm cứu chuộc, ta không được quên rằng những đau khổ và tử nạn trên thập giá không thể tách rời khỏi cuộc phục sinh của Chúa. Không thể có phục sinh nếu không có đau khổ và tử nạn. Và rồi cái chết của Chúa Giêsu không còn ý nghĩa nếu không có phục sinh.
Việc Chúa phục sinh đã biến đổi đời sống của những người đã chứng kiến: của các tông đồ, của bà Maria Mác-đa-la và của hai môn đệ thành Em-mau. Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại những gì đã xẩy ra dọc đường và việc họ đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh (Lc 24:35). Việc Chúa phục sinh phải là dấu chỉ cho ta nhìn tới với hi vọng. Và chính niềm hi vọng đó sẽ đem lại niềm vui và lẽ sống cho đời ta khi phải chứng kiến và đương đầu với những khó khăn, bệnh tật, rủi ro, những bực mình, thất vọng, chán chường và cả thần chết.
Trong Mùa Chay người tín hữu đã cầu nguyện, ăn chay, kiêng thịt, hi sinh, hãm mình và làm việc lành phúc đức. Ta đã chết đi cho tội lỗi để được sống lại với Chúa phục sinh trong ơn thánh. Trong chốc lát, ta sẽ ôn lại lời hứa khi chịp Phép Rửa tội. Hồi đó cha mẹ và ngưòi đỡ đầu đã tuyên xưng đức tin thay cho ta. Họ hứa từ bỏ ma quỉ, tội lỗi và tuyên xưng đức tin vào Chúa thay cho ta. Cha mẹ, người đỡ đầu và toàn thể cộng đồng dân Chúa đã bổ túc những gì còn thiếu sót nơi ta.
Hôm nay mỗi người phải tự tuyên xưng đức tin cho mình, không phải một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ. Người tín hữu không thể tuỳ thuộc vào đức tin của cha mẹ và người đỡ đầu mãi mãi. Người tín hữu phải tập đi tập đứng trong việc tuân giữ và thực thi đức tin. Nếu muốn là người công giáo trưởng thành, ta phải phê chuẩn đức tin mà ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa tội.
Một trong những lời hứa mà ta sẽ hứa hôm nay là: Anh chị em có tin kính Ðức Giêsu Kitô, Con Một Chúa Cha và là Chúa chúng ta, được sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không? Ðó là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà ta tuyên xưng trong thánh lễ từ Chúa nhật nọ qua Chúa nhật kia. Vậy nếu việc ôn lại lời hứa tuyên xưng đức tin khi chịu Phép Rửa tội khỏi trở thành lời hứa suông, ta phải lặp lời hứa một cách nghiêm chỉnh và phải sống và thực thi lời hứa.
Lời cầu nguyện xin cho được sống lại về phần linh hồn:
Lạy Ðức Kitô Phục sinh!
Bằng việc sống lại, Chúa đã tiêu diệt tội lỗi
và toàn thắng sự chết.
Đã chết đi cho tội phạm
và các thứ tính mê nết xấu trong mùa Chay,
giờ đây xin cho con được sống lại
về phần hồn trong ơn nghĩa với Chúa. Amen.
Lm Trần Bình Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét